Hội và hiệp hội những vấn đề cần hoàn thiện

Các hội quần chúng và các hiệp hội doanh nghiệp (gọi chung là hội) là những nhân tố tích cực trong hệ thống chính trị của nước ta. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà n

 Kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào năm 1945 cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 102-SL/L.004 về quy định quyền lập hội vào ngày 20-5-1957, Nhà nước ta chính thức công nhận việc thành lập hội là hợp pháp và tự do. Từ khi Sắc lệnh số 102-SL ra đời đã có nhiều hội được thành lập ở trung ương cũng như ở địa phương. Cho đến nay, trong chúng ta chắc chắn không ai có thể dám nói là: “ Tôi biết rõ, có bao nhiêu hội và hiệp hội đã ra đời và đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam “.

                Nhìn chung, các hội ra đời đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước, nhưng bên cạnh đó cũng còn có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại, thậm chí cả định nghĩa, để cho các hội hoạt động có hiệu quả mà không mang tính hình thức.

1- Nhận thức chung về hội và đặc điểm của hội ở Việt Nam .

Cho đến nay, chưa có một báo cáo thống kê chính thức về việc hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam có bao nhiêu tổ chức hội, chi hội...được thành lập và đang hoạt động. Chỉ có thể biết hơn 90 hiệp hội và gần 300 hội đang hoạt động, còn các chi hội thì không sao kể hết.

Vậy hội ở Việt Nam  có đặc điểm  gì khác với hội các nước? Hiện nay, nhiều nhà xã hội học quốc tế khi xem xét, phân tích xã hội, đã chia xã hội thành 3 khu vực riêng biệt là: nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Nhà nước bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển xã hội. Và nhà nước, thị trường, xã hội dân sự luôn luôn có mối liên quan chặt chẽ, đan xen với nhau. Có nhiều yếu tố hợp thành xã hội dân sự như: các tổ chức nhân dân, các hội tình nguyện, các câu lạc bộ, các phong trào xã hội, các nhóm thanh niên, công đoàn, hợp tác xã, tôn giáo và các nhóm tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ... Như vậy, họ cho rằng, hội là một tổ chức nằm trong xã hội dân sự. Hệ thống chính trị của ta bao gồm Đảng, Nhà nước,Mặt trận, đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng. Như vậy, các hội quần chúng là thành tố của hệ thống chính trị. Chúng ta phải đề cập đến bản chất của Hội ở Việt Nam  nhằm có cơ sở để giải thích những thắc mắc của nhiều hội đang đặt ra về việc quản lý tổ chức và các hội quần chúng.

                Hội là gì?

Từ điển Chính trị do Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội xuất bản năm 1991 giải thích: Hội có nghĩa liên tưởng về tâm lý, và chia ra nhiều loại hội cụ thể. Còn từ điển tiếng Việt do Viện Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản năm 1992 nêu rõ, hội là tổ chức quần chúng rộng rãi của nhưng người cùng chung một nghề nghiệp, có chung một hoạt động. Ngoài ra, các nước khác nhau thì cũng có những định nghĩa khác nhau về hội. Như vậy, cho đến nay, chúng ta cũng chưa có một định nghĩa chính thức về hội. Do vậy, tạm hiểu khái niệm về hội như sau: Hội là tổ chức tự nguyện của quần chúng tập hợp đông đảo người cùng ngành nghề, hoặc cùng giới, hoặc cùng sở thích...họ cùng tự nguyện hoạt động theo tôn chỉ mục đích của những người sáng lập ra.

Như vậy, khái niệm trên cho chúng ta thấy, Hội là tổ chức quần chúng, của những người tự nguyện, không phải là tổ chức của chính phủ, người vào hội phải là tự nguyện.

Việt Nam có bao nhiêu loại hình hội?

Ngày 05-01-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có Chỉ thị 01/CT về việc quản  lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Đến nay, Nhà nước ta đã cho phép thành lập hàng trăm hội quần chúng hoạt động trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, y tế, xã hội, thể dục, thể thao...Điều 1 của Chỉ thị 01/CT đã ghi rõ:” Các hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện của hội viên. Những hội hoạt động trong phạm vi cả nước phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cấp giấy phép. Những hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch tỉnh, thành phố cấp giấy phép và phải báo cáo để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng biết. Những tổ chức quần chúng hoạt động có tính chất tương tế, phúc lợi ở xã, phường, thôn, ấp như: Hội bảo thọ, Hội bảo trợ học đường... do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường cho phép, nhưng phải báo cáo để chủ tịch UBND quận, huyện biết”.

Hiện nay, chúng ta có các rất nhiều loại hình hội và không phải khi nào cũng dễ phân loại một cách rõ ràng như Hội chính trị - xã hội (như hội Phụ nữ, hội Liên hiệp thanh niên, hội cựu chiến binh...), hội chính trị - nghề nghiệp như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo... hội xã hội nghề nghiệp, như các hội thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật... hội nghề nghiệp như hội cá, chim cây cảnh...các loại hình hội hữu nghị... Hiệp hội ngành nghề như, Hiệp hội Chè Việt Nam , Hiệp hội Da giày Việt Nam , Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng là một hình hiệp hội ...

Tóm lại, chúng ta có rất nhiều loại hình hội, có rất nhiều cấp hội khác nhau (Trung ương, địa phương, ngành...). Do đó, việc quản lý tổ chức không đơn giản, dẫn  đến nhiều hội hoạt động mang tính hình thức hoặc chưa đúng các quy định của Nhà nước.

2- Một số nhận xét về thực trạng hoạt động của hội ở Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nhiều hội đã hoạt động đúng hướng, có hiệu quả thiết thực, chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội. Nhưng cũng có một số hội hoạt động còn hình thức hoặc chưa đúng quy định của Nhà nước. Đây là câu mở đầu của Chỉ thị số 01/CT ngày 05-01-1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

Có phải hội là nơi “quá độ” để người đã có chức, có quyền tập làm người công dân bình thường?

Nhận xét trên có lẽ không đúng lắm, nhưng thiết nghĩ, nhiều người đã bày tỏ quan điểm như vậy khi nghĩ đến một số hội đang thuộc quyền lãnh đạo của nhiều vị có chức có quyền khi nghỉ hưu, đã nhiều tuổi mà sức khoẻ lại kém, thậm chí có chủ tịch một hội lớn ốm lâu dài và nằm trên giường bệnh vẫn còn giữ chức vụ.

Hiện nay, do tính chất hội ở Việt Nam như đã nêu ở trên, nên tính tự nguyện tham gia hội xem ra chỉ là hình thức. Có một vị có chức có quyền đã nói, tớ là hội viên của cả chục hội, là chủ tịch, tổng thư ký, Uỷ viên Ban chấp hành có đến vài hội, nhưng có làm gì đâu. Hàng năm, nếu họ tổ chức hội nghị, hội thảo, họp Ban chấp hành... nếu có điều kiện thì tham gia. Có anh bạn là công chức hạng thấp nhất đã tâm sự, chỉ vì quen nhiều nên tớ cũng có trong tay vài thẻ hội viên của nhiều hội tên tuổi. Đúng là nhiều hội thông báo tại cuộc họp là ai muốn gia nhập hội xin đăng ký và nộp lệ phí. Việc tham gia nhiều hội không phải là vấn đề lên án, mà việc muốn nói là tuy là hội viên, nhưng cũng chỉ là hình thức, để hội báo cáo có nhiều hội viên.

Hội viên thì như vậy, còn các vị lãnh đạo các hội lớn thì phần lớn là các vị khi chưa nghỉ hưu đang nắm những chức vụ quan trọng của đất nước. Có người hoạt động lâu năm ở một hội tầm cỡ đã nói, hội không triển khai được mấy, vì “cụ ấy” đã nghỉ hưu, nên cái gì “cụ” cũng sợ nhỡ ra cuối đời lại không giữ được “khí tiết”. Như vậy, người có tâm huyết và có năng lực hoạt động cho hội thì lại không có quyền. Và có lẽ sau nhiều năm công tác đã quá mệt mỏi, nay có chỗ thư giãn thì dại gì mà lại lao tâm khổ tứ. Xin các cụ thứ lỗi, và xin khẳng định rằng, nhiều cụ muốn nghỉ thật sự, nhưng nghỉ làm sao khi mà các đàn em thường xuyên yêu cầu các cụ ra tay giúp hội trong cơn trứng nước. Nhiều hội, đến kỳ đại hội, thì ban tổ chức luôn tìm những người có chức, có quyền, có uy tín, có khả năng chi tài chính để vào ban chấp hành, ban thường vụ. Mà thường các vị này, nếu còn đương chức thì cũng khá nhiều chức vụ chuyên môn, hành chính không kham nổi rồi, nay cộng thêm việc của hội cũng chỉ là “ghi tên” để khi “đánh kẻng” cố gắng có mặt là may.

Những việc trên, nếu nhìn qua thì thấy các vị có chức sắc vào hội là cái may, nhưng nếu nhìn về lâu dài thì chưa hẳn là như vậy. Cụ thể đã gần nửa thế kỷ có Sắc lệnh về hội, nhưng nhìn lại ngày nay, số lượng hội đông đến nỗi không thống kê được, nhưng tác dụng và hiệu quả có lẽ chỉ tập trung vào một số hội được bao cấp và một số hội có đội ngũ lãnh đạo trẻ, được bầu và thậm chí còn quy định chủ tịch, tổng thư ký hội không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ. Thực tế, không ít hội ra đời mang tính chất thương mại, nhằm có chức danh để hoạt động kinh tế là chính.

Xin nói vế thứ hai, do nhiều hội chỉ biết “đẻ ra” theo mốt và nhất là trong cơ chế thị trường, họ hy vọng có hội là có thể làm kinh tế được và có thêm tiếng tăm nữa, nên họ phải cố chèo kéo các vị có chức sắc để sau này còn nhờ được uy tín để công tác hội được trôi chảy.

Như vậy, tôn chỉ mục đích của các hội là nhiều khi không được thực hiên ngay từ đầu, thì việc hoạt động chỉ là hình thức, không theo các quy định của Nhà nước là điều tất yếu. Nhiều hội của chúng ta hoạt động thực chất vẫn mang tính chất “quyền hạn” hơn là tự nguyện và quần chúng.

Các hội không bình đẳng với nhau.

Tuy cũng được cấp giấy phép thành lập hội, nhưng có hội sau khi thành lập thì được tổ chức như một cơ quan nhà nước, có biên chế, có trụ sở, có ngân sách cấp... nhưng có hội lại phải tự xoay sở lấy từ A đến Z. Có vị chủ tịch một hội khi được hỏi về kinh phí hoạt động đã nói:” Hội tớ đang đau đầu vì đang tìm cách tiêu hết số tiền được cấp, và nội bộ cũng vì thế mà đang lắm chuyện!” Trong khi đó, có hội thì đến phó tổng thư ký, chủ tịch hội cũng không có phụ cấp. Cả cơ quan hội chỉ có 2,5 người được trả tiền công làm việc cho hội. Như vậy, hội ở Việt Nam còn nhiều vấn đề, nên việc định nghĩa hội ở Việt Nam hiện nay khó ai có thể đưa ra được.

Tuy nhiên, hiện nay có một loại hình hội đang phát triển và có nhiều đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển đất nước nếu được quản lý tổ chức tốt. Đó là, “Hiệp hội doanh nghiệp” hay còn gọi là “Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng”.

3- Các biện pháp nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng.

Cho đến nay, chúng ta chưa có một khái niệm chính thức về thuật ngữ: “Hiệp hội doanh nghiệp” (HHDN) hay “Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng” (HHDNNH), và cả hai khái niệm này đều được dùng phổ biến như nhau. Có điều, tuy cách gọi có khác nhau, nhưng HHDN hay HHDNNH khác với một số hội nghề nghiệp có hội viên là cá nhân ( như Hội nhà văn, Hội nhà báo...), HHDN có hội viên chủ yếu là các doanh nghiệp. Sở dĩ gọi là chủ yếu vì trên thực tế, các HHDN còn bao gồm cả một số hội viên không phải là doanh nghiệp như các hợp tác xã, cở sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, theo các quy định hiện hành, chúng ta có thể tạm định nghĩa HHDN như sau:” Hiệp hội doanh nghiệp là một loại hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có hội viên là các doanh nghiệp, các tổ chức khác và cá nhân tự nguyện hoạt động theo tôn chỉ mục đích của Hiệp hội”.

Nếu chia theo lĩnh vực, ngành nghề thì các HHDN có thể chia làm hai loại, các HHDN đa ngành như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội đồng các doanh nghiệp trẻ Việt Nam...còn HHDN chuyên ngành là những hiệp hội mà các hội viên chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành hàng hoặc một lĩnh vực như Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam , Hiệp hội Lương thực Việt Nam , Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ...

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 90 HHDN được Nhà nước cấp phép đang hoạt động và mức độ ảnh hưởng, hiệu quả đối với xã hội cũng rất khác nhau. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Có phải cơ sở pháp lý chưa đầy đủ?

Nhiều người cho rằng, các HHDN hoạt động không như mong muốn là do hệ thống cơ sở pháp lý không đầy đủ. Loại ý kiến này không phải là không có lý khi mà các văn bản pháp lý cho việc thành lập và quản lý Hiệp hội còn chưa đầy đủ, không đồng bộ và nhìn chung, không phù hợp với nhu cầu phát triển và vai trò của các hiệp hội trong tình hình mới. Thực tế hiện nay, việc thành lập hội, hiệp hội đều dựa trên cơ sở của Sắc lệnh số 102-SL/L004 ban hành từ năm 1957 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999. Nhưng cả hai văn bản pháp lý cao nhất đó lại không có quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các hiệp hội và cũng không đề cập đến vai trò của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực của Hiệp hội. Trong tình hình đó, việc nhanh chóng dự thảo một hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ để hướng dẫn việc thành lập, quản lý các hiệp hội, quy định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ vủa các hiệp hội trong bối cảnh mới cũng như phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành theo đặc thù của từng loại hình hiệp hội là hết sức cần thiết.

Thực tế chứng minh, dù có đủ pháp lý, nếu các hội, hiệp hội không tự chủ động và hoạt động không hiệu quả thì văn bản pháp luật dù có ban hành ra cũng nằm “đắp chăn” để đấy. Hiện nay, nhiều cán bộ chủ chốt hội phàn nàn là không được Nhà nước ghi hẳn trong văn bản có chức năng tham mưu trong lĩnh vực ngành mà hội phục vụ. Do đó, nhiều dự án quan trọng, nhiều đầu tư lớn, nhiều công trình trọng điểm thuộc ngành, hội lại không được hỏi ý kiến tư vấn, dẫn đến gây lãng phí, thất thoát, tham ô...Về vấn đề này, một quan chức có trách nhiệm của Bộ Nội vụ đã phân tích Hội X được Nhà nước ghi hẳn trong văn bản chính thức là các công trình lớn, đầu tư lớn thuộc lĩnh vực của Hội X đều phải có ý kiến tư vấn của Hội X. Văn bản có từ lâu, nhưng thực tế, Bộ Y thích thì gọi không thích thì thôi không gọi Hội X làm tư vấn nữa. Đây cũng là sự nhận thức yếu kém của đội ngũ cán bộ mà ta xưa nay hay tôn thờ là uyên thâm, nhưng thực tế lại hiểu quá ít. Khi nào họ không làm được như mong muốn thì cách duy nhất dễ đổ lỗi nhất là “không có đầy đủ văn bản pháp lý”.

                Một hiện tượng phổ biến nữa, khi xin thành lập thành lập ,hội nào cũng cam kết tuân theo các quy định của Nhà nước, nhưng khi được phép rồi lại kêu ca, chạy vạy xin cái này hay đòi hỏi cái khác. Thí dụ, có hội đã ghi trong Điều lệ là tự chủ về kinh phí, hoạt động dựa trên hội phí và các loại hình dịch vụ...nhưng khi được cấp phép rồi thì tìm mọi cách xin trụ sở, xin kinh phí để hoạt động...Đây cũng là bằng chứng chứng minh nhiều người thích sinh ra cái hội để làm nhiện vụ “hội hè” là chính và thể hiện rõ bản chất của một thời bao cấp là cơ chế xin - cho. Nếu có quyền thì cho, còn không có quyền thì xin.

                Nhiều hội kêu ca là không có biên chế, nhưng ngược lại, nhiều hội lại giầu đến mức chi tiêu thoải mái. Và vị Hội trưởng đã bị báo chí nêu lên và cơ quan quyền lực lớn nhất nước đã phải vào cuộc. Những hội giầu này thì họ chẳng kêu ca là thiếu hay thừa pháp lý. Với họ, bằng ấy văn bản họ đã đủ sống rồi. Khi trao đổi với một vị có thẩm quyền của Bộ Nội vụ về việc tại sao nhiều hội kêu ca là xin được quyết định thành lập là rất khó khăn, thì được giải thích rằng, giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2000, việc cấp quyết định thành lập các hội là có khó khăn, nhưng không phải là do khâu thủ tục hành chính mà là lý do khác. Nhưng từ năm 2000 đến nay, nếu các hội muốn thành lập mà làm thủ tục theo đúng hướng dẫn thì không có gì khó khăn.

                Có lẽ nguyên nhân lớn nhất là do cơ chế nên nhiều hội đã không có trụ sở, không biên chế chuyên trách, hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm đã hạn chế nhiều tới hiệu quả hoạt động. Hiện nay, tuy cơ chế có thoáng hơn nhưng nhìn chung, nhiều hội vẫn còn thiếu về nhân sự, nhất là cán bộ trẻ có trình độ ngoại ngữ, có chuyên môn sâu về ngành. Một vấn đề nữa là kinh phí hoạt động còn hạn chế. Hiện nay, mỗi hội khi hoạt động đều dựa trên 4 nguồn: Ngân sách Nhà nước, hội phí, phí thu từ cung cấp dịch vụ và các khoản tài trợ khác.

                Tóm lại, do thiếu và yếu về nhân sự và hạn chế về kinh phí, nên đã đẩy nhiều hội vào tình thế “lực bất tòng tâm”.

                Những giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả của các Hiệp hội doanh nghiệp.

                Năm 2002, Chương trình phát triển Dự án Mê Kông đã tiến hành nghiên cứu về hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở khảo sát hơn 400 doanh nghiệp (chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân), kết quả điều tra cho thấy, Hiệp hội doanh nghiệp (kể cả đa ngành và chuyên ngành) đã tương đối thành công trong các hoạt động: cung cấp thông tin, chính sách, luật pháp; kiến nghị về chính sách, quy định có liên quan đến doanh nghiệp; tập huấn, đào tạo ngắn hạn, nhưng còn yếu ở các hoạt động: tư vấn, hỗ trợ hội viên; cung cấp thông tin thị trường, giá cả; hỗ trợ tiếp cận thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

                Để khắc phục những nhược điểm trên, hội cần phải được các cơ quan chức năng hoàn thiện những vấn đề sau:

                - Cần cụ thể hóa các chính sách về Hiệp hội: Hiện nay, tuy có nhiều chính sách, quy định cho hiệp hội, nhưng khi thi hành lại không được. Thí dụ, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi thành lập hiêp hội đều có ghi là quyền được có cơ quan ngôn luận riêng, quyền được tư vấn trong lĩnh vực mình, nhưng thực tế các hiệp hội rất khó được Bộ Văn hoá và Thông tin cấp phép, còn về lĩnh vực tư vấn lại đòi hỏi Hiệp hội phải có giấy phép hành nghề.

                - Cần đảm bảo cho các hiệp hội có trụ sở không để tình trạng như hiện nay, nhiều hiệp hội đang nhờ các nơi để có chỗ làm việc.

                - Cần có cơ quan quản lý các hiệp hội. Hiện nay, các hiệp hội không biết ai quản lý mình. Hàng năm, tuy Bộ Nội vụ có yêu cầu phải nộp báo cáo, nhưng nếu không nộp cũng chẳng sao.

                - Theo dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( công ty liên doanh và 100% vốn nước ngoài) không được là hội viên chính thức, chỉ được là hội viên liên kết. Như thế là không hợp lý lắm, không tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp.

                - Để nâng cao vai trò của Hiệp hội, các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm sẽ được ưu tiên cho các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội.

                - Bộ Thương mại cần nghiên cứu thành lập một số hiệp hội mới để tạo cơ sở cho việc liên kết ngành.

                Thay lời kết.

                Phải khẳng định rằng, cả hai phía Chính phủ và các hội đều có mối quan hệ tích cực. Các hội ngày càng tích cực tham gia vào các lĩnh vực công tác của chính phủ một cách có hiệu quả. Chính phủ ngày càng tin tưởng ở các hội và đang có những chính sách, cơ chế hỗ trợ rất tích cực cho các hội. Tuy nhiên ở đây, đã bắt đầu xuất hiện những hiện tượng không lành mạnh mà cả hai bên cần phải điều chỉnh.

                Một số hội thành lập không đúng với các quy định của Chính phủ. Một số hội sau khi được thành lập, lại nằm im không hoạt động, một vài hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Một số người đứng đầu các hội, sau khi xin được giấy phép hoạt động, thì biến nó thành một tổ chức kiếm lời. Đó là chưa kể các hội tự ý cho ra đời các tổ chức nhỏ nằm trong các hội, hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, ảnh hưởng đến uy tín của các hội.

                Về phía Nhà nước, từ kinh nghiệm quản lý nhà nước về các hội trong những năm qua, ít nhiều đã có những bài học đáng quý và bổ ích. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ rất nhiều lúng túng và non kém cả ở tầm vĩ mô và cơ sở. Nhiều nơi đã buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, cán bộ, công chức đảm nhận cộng việc hội không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra.

   Trước mắt, Chính phủ và các hội còn rất nhiều việc phải làm. Việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hội còn đòi hỏi của việc cải cách và hoàn thiện bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước của ta xứng đáng là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đảm bảo Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả./.

  • Tags: