Vừa qua, Tọa đàm xúc tiến đầu tư “Tỉnh Bắc Ninh - Cứ điểm sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam” đã diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc do UBND tỉnh Bắc Ninh, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT) - Chi nhánh Phố Đông - Thượng Hải và Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 300 nhà đầu tư quan tâm.
Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng Công ty Viglacera đã ký kết hợp đồng với 4 doanh nghiệp hoạt động trong mảng sản xuất điện tử, công nghệ cao, bán dẫn của Trung Quốc với tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 200 triệu USD.
Các dự án này sẽ được đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, khu vực được xem là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh hiện nay.
Cụ thể, Công ty TNHH Micro Commercial Components Việt Nam, thuộc Yangjie Technology (Trung Quốc) là doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn sẽ đầu tư nhà máy rộng 8 ha với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 90 triệu USD. Sản phẩm đầu ra gồm sản phẩm quang điện, gắn kết bề mặt, tín hiệu cung cấp cho loạt tập đoàn lớn như Huawei, BYD, Philips, và Sony.
Tiếp đến là Cayi Technology Việt Nam, thuộc Cayi Zhejiang, với quy mô hơn 7 ha, vốn đầu tư 40 triệu USD. Dự án chuyên sản xuất các loại bình giữ nhiệt cung cấp cho Stanley 13, Starbucks và Takeya. Đây cũng là dự án tại nước ngoài đầu tiên của Cayi Zhejiang.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Viglacera còn ký kết các hợp đồng có giá trị cao với hai công ty sản xuất, gia công, lắp ráp các sản phẩm linh kiện điện tử, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD.
Đại diện Tổng Công ty Viglacera cho biết, những dự án điện tử, công nghệ cao, bán dẫn được ký kết trong Tọa đàm xúc tiến đầu tư lần này có nhiều nội hàm với yêu cầu khắt khe. Các đối tác chung quan điểm khi quyết định lựa chọn đầu tư xây dựng dự án của họ tại khu công nghiệp của Tổng Công ty Viglacera bởi môi trường sản xuất thuận lợi, đồng thời tin tưởng vào năng lực vận hành của chủ đầu tư.
Hiện tại, các khu công nghiệp của Tổng Công ty Viglacera đang là điểm đến đầu tư của hơn 400 doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới; thu hút 18 tỷ USD từ BYD, Qisda, Texhong, Kanglongda, Foxconn, Risuntek, Nam Liong, BBID, Samsung, Amkor, Hyosung, Canon… Trong đó có gần 70 dự án Trung Quốc với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh mảng vật liệu xây dựng đang dần hồi phục, mảng bất động sản khu công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng kinh doanh chính của Tổng Công ty Viglacera trong thời gian vừa qua.
Trong năm nay, ổng Công ty Viglacera sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai thực hiện 07 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.700 ha tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Loạt dự án khu công nghiệp trên sẽ góp phần củng cố quỹ đất khu công nghiệp của Tổng Công ty Viglacera trong thời gian tới. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000 ha, trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước.
Bên cạnh mảng khu công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera cũng đang dồn lực triển khai mảng bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhằm khép kín hệ sinh thái dịch vụ tại các khu công nghiệp.