Hơn 60% thiết bị CNTT bị lây nhiễm phần mềm độc hại
Thống kê sơ bộ của các chuyên gia Bkav cho thấy, trung bình mỗi năm có tới hơn 60 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc. Còn theo một số hãng bảo mật, Việt Nam cũng được liệt vào top 20 thế giới về lây nhiễm mã độc.
Bình luận về những con số này, ông Trần Đăng Khoa, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc một số hãng bảo mật đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao trên thế giới tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng phải công nhận thực tế rằng, tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại của Việt Nam là đáng lo ngại, nếu không có các biện pháp quyết liệt để khắc phục, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Đây là kết quả của một thời gian dài các cơ quan, tổ chức và người sử dụng mạng tại Việt Nam chưa có nhận thức và kỹ năng đầy đủ để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng dịch vụ trên Internet.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong những năm gần đây, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đều lớn hơn 60%. Trong năm 2018, ghi nhận được hơn 4,7 triệu địa chỉ IP nằm trong các mạng máy tính ma (botnet). Số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet trong khoảng thời gian gần đây nhất ghi nhận được là khoảng 1,6 triệu địa chỉ IP. Trong đó, Hà Nội và Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet nhiều nhất.
Đồng quan điểm này, Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng phòng chống mã độc của Bkav cho rằng: Tỷ lệ lây nhiễm mã độc gia tăng cũng là xu hướng chung trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Mỗi ngày theo thống kê của Bkav có 1,5 triệu mẫu virus mới được tung lên mạng, con số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thậm chí các dòng mã độc lây qua lỗ hổng phần mềm như lỗ hổng của hệ điều hành Windows (SMB) có thể tự lây nhiễm vào máy tính mà không cần thao tác của người dùng. Tính riêng về lỗ hổng SMB, đến nay vẫn còn hơn 50% máy tính tại Việt Nam còn tồn tại lỗ hổng này.
Vì thế, số máy tính bị nhiễm mã độc tại Việt Nam vẫn luôn ở mức cao. Mã độc ở Việt Nam hiện có rất nhiều loại song 5 loại mã độc đang lây nhiễm nhiều nhất hiện nay là virus USB, virus đào tiền ảo, virus mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp và mã độc tấn công APT.
Nguy cơ mất an toàn thông tin từ các phần mềm lậu
Theo ông Trần Minh Quảng, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm An ninh mạng Viettel, nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc cao là do người sử dụng Internet tại Việt Nam chưa thực sự chú ý đến việc đảm bảo an toàn thông tin, phòng tránh lây nhiễm mã độc cho máy tính của mình. Người dùng vẫn còn có nhiều hành vi sử dụng Internet không an toàn như sử dụng các phần mềm lậu, truy cập các trang web không uy tín, hoặc không sử dụng các phần mềm bảo vệ máy tính của mình.
Cũng theo chia sẻ của ông Trần Minh Quảng, việc Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh bị liệt vào danh sách hai trung tâm phát tán mã độc nhiều nhất cả nước cũng là điều dễ hiểu bởi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời cũng là nơi có lượng người dùng Internet thuộc Top nhiều nhất cả nước.
Ông Vũ Ngọc Sơn cũng thừa nhận: Nhiều người sử dụng Việt Nam hiện vẫn chưa có thói quen sử dụng các phần mềm có bản quyền, cũng như chưa trang bị cho máy tính của mình một phần mềm diệt virus có bản quyền thường trực. Điều này là rất nguy hiểm. Theo khuyến cáo của chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, để phòng chống virus, người dùng không nên vào các website không rõ nguồn gốc, không tùy tiện cài các phần mềm trên mạng, không mở trực tiếp các file nhận được qua email hay qua chat, messenger.
“Bởi khi máy tính bị nhiễm virus, người dùng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như có thể bị chiếm quyền điều khiển, bị theo dõi bởi phần mềm gián điệp, bị mất tài khoản ngân hàng, mất mật khẩu email, mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn có thể bị lấy cắp dữ liệu, xóa dữ liệu”, ông Sơn nhấn mạnh.