Cung ứng điện năm 2021 được đảm bảo
Theo ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 16/6/2021, công suất và sản lượng của hệ thống điện quốc gia cũng ghi nhận đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể: trong ngày 02/6, công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 41.558 MW, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 7,9% so với công suất cực đại năm 2020 (38.518MW, ghi nhận ngày 23/6/2020); trong ngày 01/6, sản lượng của hệ thống điện quốc gia đạt 880,3 triệu kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 10,3% so với sản lượng cực đại năm 2020 (798,3 triệu kWh, ghi nhận ngày 27/8/2020).
Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2021 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiến chính trị quan trọng của đất nước trong thời gian qua như Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng (diễn ra từ ngày 25/1 – 02/02/2021), Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra vào ngày 23/5/2021) và kỳ thi tốt nghiệp THCS tại các địa phương.
Đối với 6 tháng còn lại của năm 2021, theo Phương thức vận hành hệ thống điện tháng 6 năm 2021 do EVN phê duyệt, tổng sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 6 tháng cuối năm dự kiến đạt 135,515 tỷ kWh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện đạt 265,497 tỷ kWh, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 1,18% so với Kế hoạch dự kiến.
Nhìn chung, việc cung ứng điện năm 2021 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra.
Hỗ trợ khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng trong đợt giảm giá điện, giảm tiền điện thứ 3
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3, ông Trần Tuệ Quang cho hay, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong năm 2020 khoảng gần 12.300 tỷ đồng.
Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.
Từ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh COVID-19 đợt 4 đã bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước. Trên cơ sở phân tích đánh giá lựa chọn các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, xem xét khả năng cân đối tài chính của EVN nhằm đảm bảo việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành báo cáo Chính phủ phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3. Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021 cho các đối tượng cụ thể:
Giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí.
Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.
Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 không thu phí được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.
Sau thời gian hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện nêu trên các đơn vị bán lẻ điện tiếp tục áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương hoặc tại quy định khác thay thế.
Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt này khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được hoàn thiện kỹ lưỡng
Đối với Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thông tin, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Cục đã khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn cũng như các đơn vị liên quan đã rà soát lại chương trình phát triển nguồn điện, đảm bảo yêu cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như rà soát lại kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa nguồn điện truyền thống và các loại nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa những khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng đang cập nhật lại Chương trình phát triển lưới điện để đồng bộ với nguồn điện nhằm tối đa được cắt giảm công suất của các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, rà soát nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện của trong giai đoạn quy hoạch.
“Đây là những nhiệm vụ mà hết sức khó và khối lượng công việc rất lớn. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị tư vấn cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc rà soát, điều chỉnh Dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Đặng Hoàng An chủ trì”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.
Hiện nay, tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang chủ trì cùng với các đơn vị để hoàn chỉnh lại báo cáo lần cuối trước khi gửi đi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành trong tháng 6 năm nay”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Tiến Dũng cũng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra và đã có văn bản gửi UBND các tỉnh cũng như EVN đề nghị rà soát các nội dung liên quan, cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố có nhiều dự án điện mặt trời phát triển trong thời gian vừa qua.
Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố là những địa phương phát triển điện mặt trời đạt công suất lớn trong các năm 2019, năm 2020. Qua kiểm tra hồ sơ và khảo sát, đoàn kiểm tra có phát hiện tồn tại ở một số dự án điện mặt trời, trong đó có cả điện mặt trời mái nhà.
Ngày 7/6/2021, Bộ Công Thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời. Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương và EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp báo cáo Thủ tướng và sử dụng các kết quả kiểm tra để tham mưu cho quá trình xây dựng các chính sách cũng như lập quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới để đảm bảo phát triển đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nước.