Tính đến cuối tháng 4 năm 2021, trên phạm vi cả nước có 575 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước).
Trong đó, có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê khoảng 80,3 ngàn ha (chiếm khoảng 67% diện tích đất tự nhiên). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Trong số 392 KCN được thành lập có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 56,4 ngàn ha và 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34,7 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 18,2 ngàn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,1 ngàn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, riêng các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 73,1% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê).
Về khu kinh tế (KKT), có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.
Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số khu kinh tế cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu.
Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD .
Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu NSNN để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển . Đồng thời, KCN, KKT là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững .
Tuy nhiện, hiện mô hình phát triển các khu công nghiệp trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Trong khi đó, KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sạch, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.
KKT cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực.
KKT ven biển đều có chung định hướng đầu tư, phát triển đa ngành, như: xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghiệp năng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, điện..., chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng KKT và khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Vì vậy, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP do Bộ Kế haochj và Đầu tư xây dựng trên cơ sở tập trung vào các nhóm vấn đề như sau:
Quản lý, điều chỉnh hoạch: Theo quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, quy hoạch các KCN, KKT được tích hợp trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Do vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT. Cụ thể, phương hướng xây dựng là một nội dung trong quy hoạch vùng, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển KCN, KKT ở cấp vùng. Phương án phát triển hệ thống KCN, KKT là một nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó xác định số lượng, tên, diện tích và địa điểm dự kiến của KCN, KKT theo địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, dự thảo nghị định cũng bổ sung các quy định về việc lập, điều chỉnh phương hướng, phương án phát triển KCN, KKT.
Điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: dự thảo Nghị định đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo phù hợp với các Luật mới ban hành. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:
- Diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75 ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.
- Không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp sau: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1.000 ha; (ii) KCN trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới; (iii) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoạt động theo các mô hình KCN sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu; (iv) nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN để cho dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư.
- Quy định cụ thể, chi tiết hơn về phương án đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ người lao động làm việc trong KCN.
- Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về mô hình KCN chuyên sâu. Đây là mô hình KCN chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định. Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành, nghề này thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN. KCN chuyên sâu được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như áp dụng đối với KCN hỗ trợ.
- Về mô hình KCN - đô thị - dịch vụ: dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, trình tự, thủ tục đầu tư KCN - đô thị - dịch vụ để đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành.