Báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp trực tuyến chiều 20/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, hiện tại 2 nguồn lây dịch bệnh trong cộng đồng ở Bắc Giang đều là từ khu công nghiệp (KCN) ra, và liên quan đến ổ dịch ở Thuận Thành (Bắc Ninh).
Đến nay sau khi đóng cửa 4 KCN, giãn cách xã hội 4 huyện và TP. Bắc Giang, tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch (cả số cách ly tập trung và cách ly tại nhà).
Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt 100.000 mẫu gộp/ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. Bắt đầu từ ngày mai sẽ không còn mẫu tồn, trả được kết quả xét nghiệm trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết.
Tại Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, đến hôm nay địa phương đã có 371 ca mắc Covid-19, phủ hết 8 huyện thị, thành phố, ngoài cộng đồng vẫn còn nguồn lây; đáng chú ý đã xuất hiện 6 ca dương tính trong KCN (trong đó 5 ca của Samsung và Canon);…
Về xét nghiệm, Bắc Ninh đã tăng cường các loại xét nghiệm, triển khai xét nghiệm mẫu gộp 20 đơn, tuy nhiên, trên địa bàn có gần 500.000 công nhân trong KCN, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Bắc Ninh cũng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến, triển khai thêm các giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, tập trung xét nghiệm cho các nhóm có nguy cơ cao.
Sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các KCN không phải ngừng hoạt động.
Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục quyết liệt triển khai chống dịch, chỉ đạo rà soát toàn bộ các khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo; tiếp tục cách ly y tế các địa phương có nguy cơ cao; xây dựng phương án bầu cử phù hợp; quyết liệt truy vết, đặc biệt những người liên quan đến các KCN.
Tập trung ngăn chặn dịch lây lan trong KCN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp vi phạm…
Đáng chú ý, Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều quan trọng hàng đầu là các tỉnh phải rà soát từng doanh nghiệp trong các KCN, những doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh thì được phép quay lại sản xuất, nhất là những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung, không để ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước.
Trước đó, ngày 13/5/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các Thứ trưởng Bộ Công Thương và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng đã có buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng virus mới có tốc độ lây nhiễm cao hơn, việc xuất hiện dịch trong các khu kinh tế, KCN, CCN là hết sức nguy hiểm bởi mức độ lây lan nhanh do tiếp xúc thường xuyên giữa người lao động, người dân. Mặt khác, dịch bệnh bùng phát trong lòng các KCN, CCN có thể làm tê liệt hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa đến không chỉ 1 địa phương mà trên phạm vi toàn quốc.
Nước ta hiện nay có gần 400 KCN, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, gần 20 khu kinh tế ven biển, gần 700 CCN. Tổng số lao động trực tiếp tại các khu vực này là trên 4,6 triệu người, chiếm trên 7% lực lượng lao động cả nước. Do đó, đây chính là những địa bàn trọng điểm trong phòng chống dịch bệnh để đảm bảo hoạt động ổn định của các ngành kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các khu kinh tế, KCN, CCN, các nhà máy/xí nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, chỉ đạo các khu kinh tế, KCN, CCN, nhà máy/xí nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, thực hiện nghiêm việc tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chủ động thực hiện ngay các biện pháp khắc phục (nếu cần thiết), báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trước pháp luật về quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương về phòng chống dịch bệnh. Trong đó, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương phải là tấm gương đi đầu trong triển khai phòng chống dịch tại địa phương; có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời các trường hợp làm tốt song cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm không đúng quy định.
“Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và có các biện pháp xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo công tác phòng, chống dịch”, Bộ trưởng nêu rõ.