Huyện Ba Tơ: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và giá trị văn hóa các dân tộc, những năm qua huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi từng bước phát huy hiệu quả những thế mạnh và đặc trưng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cải thiện đời sống nhân dân.

Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Cùng với các địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng của huyện Ba Tơ trên nhiều lĩnh vực sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,35%. Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 2.556,74 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trong công nghiệp và dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2022 đạt 42,07 triệu đồng/người/năm.

hyện Ba Tơ
Ông Phạm Xuân Vinh, chủ tịch UBND huyện ba Tơ

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM là Ba Động và Ba Cung, số tiêu chí bình quân đạt 12,22 tiêu chí/xã. Tổng thu ngân sách năm 2022 là 826,310 tỷ đồng, bằng 185,88% dự toán tỉnh giao, bằng 179% dự toán HĐND huyện giao. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là 217,087 tỷ đồng, giải ngân đến hết ngày 31/01/2023 là 179,782 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện duy trì ổn định, có 4 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dăm gỗ hoạt động có hiệu quả, 2 cụm công nghiệp, 4 nhà máy thủy điện đang hoạt động là thủy điện ĐăkRe, Núi Ngang, ĐăKre 2, Nước Long. Hệ thống giao thông được mở rộng thông suốt, 19/19 xã có đường ô tô đến trung tâm, 90% số thôn có đường ô tô đến thôn, 100% xã đã bê tông hoá đường liên xã không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,7%. Đến nay huyện đã hoàn thành và giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 90% trường lớp được xây dựng kiên cố; 100% xã, thị trấn có trạm y tế có biên chế bác sĩ, tỷ lệ người tham gia đóng bảo hiểm y tế toàn dân đạt 98,5%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hàng năm giảm từ 5 - 6%, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 còn 29,55%.

Phát triển hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, huyện Ba Tơ tập trung đổi mới trong quản lý và điều hành nhằm đẩy mạnh phục hồi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Huyện Ba Tơ xác định mục tiêu tận dụng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Ba Tơ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và đô thị. Huyện Ba Tơ coi trọng phát triển ngành nông nghiệp, nhất là lâm nghiệp dựa trên thế mạnh của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Định hướng phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn trên cơ sở phân bố hợp lý mạng lưới công nghiệp, đô thị đồng bộ, hiện đại về hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật; Phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

huyện Ba Tơ
Trung tâm huyện Ba Tơ

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Tơ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo lợi thế từng vùng, quy hoạch theo mô hình sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, đặc biệt là 7 sản phẩm địa phương đã được công nhận nhãn hiệu sản phẩm...

Trong công tác đầu tư xây dựng, huyện tổ chức thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Tập trung chỉ đạo xây dựng các khu dân cư, phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng thị trấn Ba Tơ đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV; đô thị mới Ba Vì tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại V.

Cùng với việc tiếp tục phối hợp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lưới điện trên địa bàn, huyện Ba Tơ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Ba Động, đề nghị thành lập cụm công nghiệp Ba Dinh; chuyển Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ ra khỏi thị trấn Ba Tơ thành lập mới Cụm Công nghiệp thị trấn Ba Tơ, thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng điện tái tạo (gió, mặt trời), khu dân cư trên địa bàn.

huyện Ba Tơ
Cảnh đẹp huyện Ba Tơ

Nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, huyện Ba Tơ tiếp tục kêu gọi đầu tư, khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở dịch vụ, thương mại, khai thác tiềm năng du lịch, các điểm văn hóa, lịch sử tại địa phương gắn với phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có; Tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với phát triển du lịch tại địa phương như: thổ cẩm làng Teng, rượu cần, tiêu Ba Lế, mây tre đan…; tôn tạo, phát triển các điểm di tích thuộc quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; thảo nguyên Bùi Hui, hồ Tôn Dung, Lũng Ồ… để phát triển du lịch theo hướng sinh thái bền vững. Hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Đề án “Phát triển Du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa của huyện Ba Tơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cảnh Hưng