Phát huy lợi thế, tích cực cải thiện môi trường đầu tư
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, biển, đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không), cửa ngõ ra biển của Hành lang Đông - Tây nối với tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông; có Khu kinh tế (KKT) Dung Quất - KKT đầu tiên của cả nước, cảng Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có một số tài nguyên quan trọng cho phát triển các ngành kinh tế với diện tích núi rừng lớn; hệ thực vật đa dạng, một số lâm sản, cây thuốc quý; hệ thống sông hồ đa dạng (các sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, Vệ); nước khoáng nóng…Đồng thời, tỉnh có nền văn hóa lâu đời, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó nổi bật là các di tích khảo cổ (thời đồ đá, kim khí, văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa…), các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng (đảo Lý Sơn, Thiên Ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Lũy…), lễ hội đặc sắc (lễ hội nghinh cá Ông, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội cầu ngư…).
Quảng Ngãi còn có nguồn nhân lực dồi dào, với dân số trên 1,3 triệu người; và đặc biệt, người dân có ý chí, nghị lực, sức sáng tạo, có truyền thống hiếu học, lao động chăm chỉ sáng tạo.
Có vị trí chiến lược và nhiều lợi thế cạnh tranh, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư theo hướng khai thác, mở rộng các dự án lớn đã hoạt động như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu công nghiệp VISIP Quảng Ngãi; Mở rộng nhà Lọc dầu Dung Quất. Kêu gọi thu hút đầu tư vào phát triển trung tâm Logistis tại Dung Quất; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu năng lượng quốc gia và phát triển du lịch tại huyện đảo Lý Sơn…
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi luôn đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Quá trình thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, Quảng Ngãi luôn chú trọng lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm mà DN, nhà đầu tư đến với địa phương cần, nhất là những vấn đề liên quan đến sự hỗ trợ từ đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành; các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hệ thống kết cấu hạ tầng và các loại hình dịch vụ hỗ trợ DN; các cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực; môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các DN, thành phần kinh tế…
Đến nay, tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh là trên 7.045 DN. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hơn 1.240 dự án, công trình quan trọng, trong đó các dự án đầu tư có quy mô lớn đã và đang triển khai trên địa bàn KKT Dung Quất như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hiệp Sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy sản xuất General Electric; KCN nhẹ Bình Hoà - Bình Phước; KCN - đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; các cụm nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát, Tổ hợp các dự án điện khí….
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào Tỉnh trong tình hình mới, thời gian qua, Quảng Ngãi đã tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua các nhà đầu tư hiện hữu để kết nối mời gọi các đối tác chiến lược. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp” nên thu hút đầu tư của Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Đến nay toàn tỉnh đã có 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 1.877 tỷ USD. Đối với đầu tư trong nước, tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án, với tổng vốn đăng ký 356 tỷ đồng; vốn thực hiện trong năm ước đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 660 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 367 nghìn tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Quảng Ngãi tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đô thị và thương mại, dịch vụ tổng hợp; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng hai động lực phát triển của tỉnh là KKT Dung Quất và các KCN trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có để góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Song song với lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi cũng đang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nhất là du lịch ven biển. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; đến năm 2030 có 2 khu du lịch quốc gia là Mỹ Khê, Lý Sơn. 4 khu du lịch cấp tỉnh là Sa Huỳnh, Hồ Núi Ngang, khu sinh thái Thạch Bích và khu du lịch Bình Châu. 6 điểm du lịch gồm Khu sinh thái Suối Chí, thảo nguyên Bùi Hui, trải nghiệm văn hóa Hre - Ba Tơ, điểm du lịch miệt vườn trái cây Bình Thành-Nghĩa Hành, Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ-Đức Phổ và xóm cây Gạo - Mộ Đức. 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Quảng Ngãi là du lịch biển, đảo/ du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.
Tích cực đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi - Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, Tỉnh xác định tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, Tỉnh sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ở các nước có nền công nghiệp hiện đại đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức, viên chức; Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục tham mưu cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Ngãi, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong năm 2023; hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050", Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX và Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chủ động hội nhập quốc tế cho địa phương.