Theo hãng tin Bloomberg, nhu cầu sử dụng xăng dầu ngày càng tăng cao trong khi sản lượng khai thác dầu thô sụt giảm đang biến Indonesia trở thành một nước nhập khẩu thuần dầu thô. Indonesia vốn từng là nước có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Vào tháng 12/2008, Indonesia đã rút tên khỏi Tổ chức các quốc gia xuât khẩu dầu mỏ (OPEC)
Tại cảng xuất dầu Senipah-Peciko-South Mahakam thuộc tỉnh East Kalimantan (Indonesia), ông Kristanto Hartadi – phát ngôn viên của công ty Total E&P Indonesia, công ty thành viên của tập đoàn dầu khí Pháp Total SA (FP), đã cho biết, trước đây chỉ mất 10 ngày để có thể bơm đầy dầu cho một tàu chở dầu loại 500.000 thùng từ nguồn dâu thô tại mỏ Bekapai nhưng bây giờ cần tới hơn 60 ngày.
Sản lượng giảm
Ông J.Widjonarko, quyền giám đốc công ty SKK Migas – công ty hoạt động trong lĩnh vực khí đốt cho biết, sản lượng khai thác dầu của Indonesia sẽ chỉ đạt 804.000 thùng/ngày trong năm 2014. Đây sẽ là mức sản lượng thấp nhất kể từ năm 1969 và thấp hơn mức 870.000 thùng/ngày – mục tiêu khai thác của Chính phủ Indonesia. Ông J.Widjonarko cũng cho biết hiện chỉ có 72 trong số 329 khu vực khai thác dầu khí và khí đốt của Indonesia hoạt động.
Hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng của Indonesia cũng giảm sút nghiêm trọng. Indonesia đã từng là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới trong vòng 3 thập kỷ cho đến năm 2006 khi vị trí này bị Qatar giành mất. Theo Cục Đánh giá và áp dụng công nghệ Indonesia (BPPT), tới năm 2030, lượng khí đốt được Indonesia xuất khẩu sẽ chỉ chiếm 10% trong tổng sản lượng khi đốt của nước này, giảm mạnh so với mức 46% trong năm 2011.
Nhập khẩu tăng
Vào năm 1978, sản lượng khai thác dầu thô tại mỏ Bekapai đạt 50.000 thùng/ngày nhưng hiện tại chỉ còn đạt 7.000 thùng/ngày. Điều này đánh dấu sự sụt giảm trong sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt của Indonesia. Theo BPPT, việc các mỏ khai thác đi vào giai đoạn khai thác cuối, chi phí khoan thăm dò tăng cao trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên sẽ buộc Indonesia phải nhập khẩu tới 90% lượng dầu cần thiết vào năm 2030. Indonesia hiện là quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2013, BPPT cho biết, sản lượng khai thác dầu của Indonesia được dự báo sẽ chỉ đạt 124 triệu thùng vào năm 2030, giảm hơn một nửa so với mức 329 triệu thùng vào năm 2011. Lượng dầu nhập khẩu của Indonesia sẽ tăng gần gấp 4 lần từ mức 134 triệu thùng lên mức 532 triệu thùng.
Báo cáo của BPPT cũng cho biết, tổng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Indonesia sẽ tăng gấp 3 lần, từ mức 399 triệu thùng trong năm 2011 lên mức 1.029 triệu thùng vào năm 2030. Lượng các sản phẩm sau giai đoạn lọc dầu được Indonesia nhập khẩu cũng sẽ tăng gấp 3 lần từ mức 172 triệu thùng trong năm 2011 lên mức 567 triệu thùng vào năm 2030.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa, lượng khí hóa lỏng được Indonesia nhập khẩu vào năm 2030 sẽ tăng lên mức 642 triệu m3, chiếm đến gần ½ tổng nguồn cung khí đốt của Indonesia, theo BPPT.