Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) ông Arifin Tasrif vừa cho biết Indonesia sẽ nâng tỷ lệ pha trộn dầu cọ trong xăng sinh học từ mức 35% hiện nay lên 40% trong vài năm tới đây. Indonesia hiện là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Vào tháng 2 vừa qua, nước này đã tăng tỷ lệ pha trộn bắt buộc dầu cọ trong xăng sinh học từ mức 30% (B30) lên 35% (B35). Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia cho biết quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ tại một số khu vực thuộc nước này do một số cơ sở pha trộn nhiên liệu cần phải được nâng cấp. Indonesia đặt mục tiêu sẽ thực hiện đầy đủ việc sử dụng xăng sinh học B35 trước ngày 1/8 tới đây.
Phát biểu bên lề Hội nghị Năng lượng châu Á vào ngày 26/6, ông Arifin Tasrif cho biết: “Ngay bây giờ, Indonesia sẽ duy trì chuẩn B35 và chuẩn bị cho B40 đối với nhiên liệu sinh học”.
Đồng thời, ông Arifin Tasrif khẳng định rằng Indonesia muốn tối đa hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước và giảm sự phụ thuộc vào dầu thô. Hiện các cơ quan chức năng Indonesia cho biết đã hoàn tất nghiên cứu và thử nghiệm đường trường đối với phương tiện sử dụng xăng sinh học B40.
Giới quan sát hiện lo ngại việc Indonesia thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học cùng với khả năng xuất hiện hiện tượng El Nino trong năm nay có thể khiến nguồn cung dầu cọ làm dầu ăn trên toàn cầu sụt giảm.
Trước khi nâng tỷ lệ pha trộn dầu cọ vào xăng sinh học lên 35%, Indonesia chỉ sử dụng 1/3 sản lượng dầu cọ hàng năm của nước này cho nhu cầu nội địa, phần còn lại dùng để xuất khẩu. Dầu cọ hiện là loại dầu thực vật có tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao nhất hiện nay, và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm và hoá mỹ phẩm.
Trong năm ngoái, việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ trong 3 tuần đầu tháng 5 đã khiến giá dầu cọ và các loại dầu thực vật thay thế trên thị trường toàn cầu tăng vọt. Lệnh cấm xuất khẩu nhằm buộc các hãng khai thác dầu cọ tại Indonesia phải thực hiện nghĩa vụ bán hàng trong nước và tăng tỷ lệ tinh chế thay vì xuất khẩu dầu cọ thô.
Giá dầu ăn trên thị trường quốc tế hiện vẫn đang neo cao do thiếu hụt nguồn cung dầu hạt hướng dương dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine (vốn chiếm 70% sản lượng dầu hạt hướng dương toàn cầu).
Indonesia hiện đang sử dụng nhiều biện pháp để giảm xuất khẩu tài nguyên thô như quặng nickel, quặng đồng, bauxite… và tăng cường tinh chế các loại tài nguyên này trước khi xuất khẩu.