Hội nghị có sự tham dự của các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương; đại diện các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng; các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, các thương nhân đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu; Phòng Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ.
Nỗ lực thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Tại Hoa Kỳ, nhiên liệu pha trộn ethanol đã được sử dụng từ những năm 2006, có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85. Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới với công suất 60 tỷ lít/năm, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất với trên 5 tỷ lít/năm. Ethanol và các đồng sản phẩm (co-product) đóng góp hơn 40 tỷ USD cho tổng sản phẩm nội địa hàng năm cho Hoa Kỳ. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…
Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.
Ở Việt Nam, với mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống…
Nhằm thực hiện các chủ trương của Chính phủ về phát triển, khuyến khích nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện lộ trình theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 6/6/2017 về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95.
“Thế giới đang ở thời điểm quan trọng với những lo ngại về sức khỏe con người, những mối quan tâm đối với biến đổi khí hậu,… Việt Nam và Hoa Kỳ đều đang nỗ lực trong vấn đề này, và thật thú vị khi nhiên liệu ethanol và nền kinh tế sinh học là một phần của những nỗ lực đó”, ông Caleb Wurth - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ chia sẻ.
Diễn đàn Diễn đàn giảm phát thải Carbon Châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023 là một trong những hoạt động cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ ký ngày 28/10/2020.
Thông qua việc ký kết MOU này, Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cam kết chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp, công cụ liên quan đến chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ trong việc phát triển, sử dụng và sản xuất nhiên liệu sinh học. Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất ethanol và hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol Việt Nam tái khởi động việc sản xuất; đồng thời thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo, truyền thông, hội nghị, hội thảo; cung cấp chuyên gia tư vấn Hoa Kỳ, Việt Nam và đội ngũ nhân viên của Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ để hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, hoạt động hợp tác…
“Biên bản ghi nhớ đã đặt ra nền tảng cho sự hợp tác và hỗ trợ nguồn lực kỹ thuật để thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu chính sách của Việt Nam về phát triển nhiên liệu sinh học”, ông Ralph Bean - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ nhận định.
Đánh giá lại tổng thể lộ trình xăng E5 để tiến tới E10
Diễn đàn đã dành phần lớn thời lượng để các chuyên gia trong nước và nước ngoài trao đổi về xu hướng và chính sách phát triển nhiên liệu sinh học trong khu vực và trên toàn cầu; sự tương thích đối với các phương tiện vận tải và nhận thức người tiêu dùng; vai trò của nhiên liệu sinh học trong tiến trình chuyển đổi nhiên liệu xanh; cơ hội cho nhiên liệu sinh học trong những lĩnh vực mới và các giá trị gia tăng khác cho Việt Nam.
Các diễn giả nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhiên liệu sinh học do sở hữu một lượng lớn đất trồng và nguồn tài nguyên sinh vật phong phú. Nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tạo ra một lượng lớn chất thải hữu cơ, có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Việt Nam có khí hậu thuận lợi và năng lượng mặt trời phong phú, cung cấp tiềm năng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ các nguồn năng lượng tái tạo như cây trồng, rừng, rong biển và chất thải hữu cơ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu, do đó đã sớm ban hành lộ trình cắt giảm khí thải, khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, sau cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, Chính phủ đã khẩn trương rà soát lại hệ thống văn bản, quy định pháp luật có liên quan, trong đó có cơ chế chính sách đối với nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã lập tức tổ chức triển khai theo đúng nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thực hiện thỏa thuận tại các hiệp định Quốc tế về bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải độc hại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ (lộ trình 49) về lộ trình áp dụng khí thải đối với xe ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, trong đó xác định từ 1/1/2017 đảm bảo nhiên liệu tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4); từ 1/1/2022 đảm bảo nhiên liệu tương ứng với tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5).
Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, trong đó đưa ra từng thời điểm áp dụng tiêu thụ 100% xăng E5 và xăng E10.
Bộ Công Thương đã có một loạt công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ đạo việc triển khai Lộ trình 49 của Chính phủ: Công văn số 2483/BCT-KHCN ngày 27/3/2017 gửi PVN và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh xăng dầu thực hiện Lộ trình 49 của Chính phủ, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch, lộ trình sản xuất và kinh doanh xăng, nhiên liệu điêzen để đáp ứng nguồn nhiên liệu thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy theo quy định tại Lộ trình 49 của Chính phủ; Công văn số 4278/BCT-TTTN ngày 19/7/2021 gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về việc nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu mức 5, theo đó Bộ Công Thương đề nghị thương nhân đầu mối có kế hoạch nhập khẩu, cung ứng nhiên liệu mức 5 đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với Lộ trình 49 của Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng tôi đánh giá đây là một trong những chương trình hết sức thành công, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ quan quản lý đến địa phương và doanh nghiệp, chỉ sau một thời gian ngắn, mặt hàng xăng E5 đã dần thay thế xăng RON92”, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định.
Dù vậy, nhìn lại lộ trình 49, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, nhiều thách thức, vướng mắc vẫn tồn tại trong quá trình triển khai, khi việc sử dụng, tiêu thụ nhiên liệu sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện giao thông là ô tô, xe máy lưu hành trên thị trường. Đây là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc triển khai lộ trình.
Song, câu chuyện này không chỉ của riêng Việt Nam. Tại nhiều nước trên thế giới, lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học đều có độ trễ nhất định trong thực hiện, do nhiều nguyên nhân khách quan và bối cảnh khó khăn chung.
Đơn cử, tại Philippines, Đạo luật của nước này ban hành năm 2006 đặt mục tiêu sử dụng nhiên liệu sinh học E10 và B5 vào năm 2012, nâng lên E20 và B10 vào năm 2020, tiến đến E85 và B20 vào năm 2025. Tuy nhiên, nhiều thay đổi trong bối cảnh khách quan và các chính sách đầu tư sở tại đã khiến Chính phủ Philippines phải xem xét lại lộ trình này, qua đó điều chỉnh mục tiêu năm 2020 giữ nguyên ở E10 và B5. Mục tiêu này đến nay vẫn đang bỏ ngỏ, khi nhiên liệu E10 đã được sử dụng từ năm 2012 nhưng vẫn giữ nguyên mức B2 từ năm 2009.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu xăng E10, ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm có các chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với triển khai lộ trình tiêu thụ mặt hàng này.
Thông tin thêm tại Diễn đàn, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, việc thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới để đáp ứng những nhu cầu về chuyển dịch năng lượng, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam về Net Zero vào năm 2050 là vấn đề rất cấp thiết.
Đại diện Vụ Dầu khí và Than đề xuất rà soát lại lộ trình phát triển xăng E5 thời gian qua để thiết kế được lộ trình mới, đề xuất chính sách cho phát triển nhiên liệu sinh học thời gian tới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam.