Indonesia nối lại việc xuất khẩu dầu cọ từ tuần sau

Trong ngày 19/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ kể từ thứ Hai tuần sau nhằm giảm bớt áp lực lên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
xuất khẩu dầu cọ
 Chính phủ Indonesia quyết định nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ sau khi đánh giá kỹ tình hình nguồn cung dầu thực vật nội địa và việc đảm bảo thu nhập của 17 triệu người lao động trong lĩnh vực dầu cọ tại nước này (Ảnh: CNN)

Trong ngày 19/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết Indonesia sẽ khôi phục lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ kể từ ngày 23/5 tới đây cho dù giá bán buôn dầu cọ trên thị trường nội địa chưa giảm xuống dưới mức mục tiêu 14.000 Rupiah (0,96 USD)/lít.

Ông Joko Widodo cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Indonesia cân nhắc kỹ tình hình nguồn cung dầu thực vật nội địa và việc đảm bảo thu nhập cho 17 triệu người làm việc trong lĩnh vực dầu cọ tại Indonesia.

Tuy nhiên, ông Joko Widodo nhấn mạnh việc đảm bảo 270 triệu người dân Indonesia được sử dụng dầu thực vật với mức giá hợp lý vẫn là “ưu tiên cao nhất” và Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ thị trường để đảm bảo mục tiêu này. Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và chiếm vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất bánh kẹo, hoá mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học.

Trong những tháng vừa qua, Indonesia đối mặt với nguy cơ cao thiếu hụt dầu ăn khi các nhà sản xuất ưu tiên xuất khẩu dầu cọ thay vì đáp ứng nhu cầu nội địa. Người tiêu dùng Indonesia có những thời điểm phải mất hàng giờ xếp hàng tại các trung tâm phân phối mới có thể mua được mặt hàng này. 

Điều này buộc Chính phủ Indonesia quyết định ngưng xuất khẩu dầu cọ thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu cọ kể từ ngày 28/4 và cho biết chỉ nối lại hoạt động xuất khẩu nếu như giá bán buôn dầu cọ trong nước giảm xuống dưới mức 14.000 Rupiah/lít.

Với sản lượng chiếm tới 60% tổng sản lượng dầu cọ toàn cầu, quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã gây ra cú sốc cung trên thị trường dầu thực vật, đẩy giá dầu cọ nói riêng và giá các loại dầu thực vật thay thế tăng lên mức cao kỷ lục. Nhiều quốc gia đang phụ thuộc mạnh vào dầu cọ để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải và dầu đậu nành.

Giá các loại dầu thực vật đã có xu hướng tăng mạnh kể từ năm ngoái khi nhu cầu sử dụng tăng vọt nhưng nguồn cung bị suy giảm vì thời tiết tiêu cực cũng như đứt gãy nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Giới quan sát kỳ vọng động thái khôi phục xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sẽ giúp giảm áp lực lên giá dầu thực vật toàn cầu, qua đó giúp hạ nhiệt đà tăng của giá thực phẩm trên thế giới. 

Tường Vy