Cơ hội cho mọi người
2017 được coi là năm khởi đầu cho sự bùng nổ mô hình kinh tế chia sẻ, và làn sóng này lập tức bắt rễ vào nước ta.
Ở mức độ vi mô, kinh tế chia sẻ cho phép các cá nhân hoặc các nhóm người cho nhau mượn đồ nhằm tăng hiệu suất sử dụng của tài sản. Chủ nhà xưởng có thể cho thuê lại khi họ không sử dụng hết diện tích, hay chủ một máy xúc có thể cho thuê khi họ chưa có được đơn hàng… Đứng giữa là các công ty công nghệ bán phần mềm hoặc dựng trang website làm trung gian thu phí dịch vụ, như dobody.com.vn; commenau.com; anvui.vn; ahamove.com…
Lớn hơn, là làn sóng thuê/nhận một phần trong chuỗi sản phẩm, vốn đã xuất hiện từ trước, nhưng chỉ thực sự nở rộ thời gian gần đây. Năm 2017 Samsung Việt Nam có thêm 13 nhà cung ứng cấp 1, gần bằng một nửa của 3 năm trước cộng lại; Trường Hải dồn dập nhận chuyển giao công nghệ và phân phối từ Mazda (tháng 3/217), Daimler (tháng 12/2017); tháng 9/2017, Hội doanh nghiệp Hoa Kỳ mở Hội chợ, mời hơn 100 doanh nghiệp Việt tham gia làm nhà cung cấp nội địa; các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng tổ chức hội thảo, giao lưu trực tuyến, mở diễn đàn… không ngoài nhằm mục đích chia sẻ phần việc với doanh nghiệp Việt.
Lớn hơn cả, ở quy mô nền kinh tế là sự chia sẻ về thị trường giữa các quốc gia, như từ 1/1/2018 thuế nhập khẩu các dòng xe từ khối ASEAN về Việt Nam giảm về 0%; hoặc 0% với các nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử... nhập khẩu từ Nhật Bản. Đổi lại, ta cũng được chia sẻ thị trường (giảm thuế) từ hàng chục đối tác thông qua 10 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã và bắt đầu có hiệu lực.
Đúng là thời của kinh tế chia sẻ. Mô hình này mang đến cơ hội kiếm tiền cho hầu hết mọi người, nhưng nó cũng tạo ra, ít nhất 2 sức ép. Một là những cá nhân, doanh nghiệp luôn phải xoay sở, nhìn trước nhìn sau xem mình có bỏ sót cơ hội nào không. Hai là với các nhà quản lý, phải điều chỉnh để vừa thúc đẩy các cơ hội sinh sôi nảy nở giữa các công dân, doanh nghiệp, vừa phải đổi mới cách quản trị để có thể theo kịp và tiếp sức cho cách thức vận hành của mô hình kinh tế mới này.
Đổi mới quản trị
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định, động lực tăng trưởng ngoạn mục 6,81% năm 2017 đứng về sản xuất là công nghiệp, đứng về thương mại là xuất khẩu. Quả thực, từ 2011 đến nay, công nghiệp chế biến chế tạo mới đạt mức tăng khá cao 14,5% và xuất khẩu trên 21%.
Sự tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp đến từ nhiều phía, nhưng có một phần đóng góp quan trọng của sự đổi mới quản trị đón đầu xu hướng kinh tế chia sẻ. Nói một cách hình ảnh, theo nghĩa nào đấy thì 2017 là năm Bộ Công Thương và nhiều bộ ngành khác đã “chia sẻ” một phần quản lý về cho doanh nghiệp.
Trước đây, cơ quan quản lý nắm cả đầu vào (cấp phép) và đầu ra (kiểm tra). Thì nay, một phần của đầu vào trả lại cho doanh nghiệp (tự công bố, thông báo), chỉ giữ phần đầu ra (thường gọi là hậu kiểm). Tháng 2 năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 36 cho phép doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu, và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.
Tiếp đó là hàng loạt các quy định: Đưa toàn bộ các mặt hàng thép (trừ thép làm cốt bê tông) chuyển sang hậu kiểm; xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan, tức là loại bỏ 58,3% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu.
Đồng thời áp dụng phương thức quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, nếu đạt yêu cầu về ATTP qua 5 lần kiểm tra liên tiếp sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu sản phẩm.
Tính đến nay, các đơn vị kiểm tra nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm cho gần 3.000 lô hàng đủ điều kiện, giúp doanh nghiệp giảm thời gian thông quan từ 12 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc. Những lô hàng đủ điều kiện “kiểm tra hồ sơ” chỉ mất 2 giờ là hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đối với thép, đã áp dụng quy trình kiểm tra đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt quản lý chất lượng làm giảm thời gian thông quan từ 3 đến 4 ngày; giảm khoảng 2 triệu đồng chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng.
Cũng với tinh thần trên, Bộ Công Thương đã xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra: Có 2 tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm công việc kiểm tra nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp; 11 đơn vị kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu. Ngay cả với thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Bộ cũng đã cho phép các tổ chức thử nghiệm trong nước và nước ngoài, nếu đáp ứng các điều kiện luật định, đều được tham gia kiểm tra, đánh giá.
Việc đổi mới quản
trị theo hướng “chia sẻ” một phần quản lý về cho doanh nghiệp, vừa
giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh; vừa tăng cơ hội chia
sẻ về việc làm, nhân công, công
nghệ, thiết bị… giữa các cá nhân, doanh nghiệp; vừa hướng đến một
mục tiêu lớn hơn theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo là: Quản lý
không chỉ là kiểm tra, giám sát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang, những không
gian kết nối, nhằm bắt kịp những xu hướng phát triển mới - nơi mọi
người đều có cơ hội kiếm tiền, làm giàu như nhau.