Kế thừa thành tích từ Đảng bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Theo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự nối tiếp, triển khai nhiệm vụ của Đảng bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, nhiệm kỳ 2020-2025 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của Đảng bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sang mô hình Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Trong giai đoạn 2020-tháng 3/2023, Đảng bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với 3 chi bộ hơn 40 đảng viên đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động để bảo đảm sự lãnh đạo liên tục của Đảng trong toàn Cục.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định 03/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/4/2023) thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập tiếp nối, kế thừa thành tích của Đảng bộ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt, không gián đoạn trong công tác Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ mới đã ban hành Nghị quyết duy trì và điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp với thực tiễn; đồng thời củng cố tổ chức, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong tình hình mới.

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Bộ Công Thương, Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia luôn nhận được sự định hướng kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp Đảng bộ phát huy vai trò lãnh đạo, xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, Đảng bộ Ủy ban luôn đoàn kết, thống nhất, với tập thể cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên trẻ nhiệt huyết, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Với tinh thần trách nhiệm cao, Đảng bộ luôn chủ động, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều điểm sáng
Báo cáo cũng nêu, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy cùng với Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo tập thể Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoàn thành tốt công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điển hình, trong công tác tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giai đoạn 2020 - 3/2023, 02 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018 do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng soạn thảo đã được ban hành.
Từ tháng 4/2023 đến nay, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 đạo luật và 02 nghị định mới, 02 quyết định của Thủ tướng, 01 thông tư Bộ Công Thương; trong đó có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, từ năm 2020 đến tháng 4/2023, Tổng đài tiếp nhận trung bình trên 10 nghìn cuộc gọi tới, trong đó hơn 84% số cuộc gọi tới đã được tổng đài viên tiếp nhận và giải đáp. Trong giai đoạn 2023-2024, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận gần 12.000 cuộc gọi, tư vấn và giải đáp gần 80% số cuộc gọi này. Năm 2024, Tổng đài mở rộng kết nối với 52 đầu mối, bao gồm 35 Sở Công Thương và 17 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường hiệu quả hỗ trợ người tiêu dùng.
Trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, từ năm 2020 đến tháng 4/2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận và xử lý gần 1.500 đơn, thư phản ánh của người tiêu dùng, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến số lượng lớn người tiêu dùng và chức năng quản lý của nhiều bộ ngành. Trong hai năm 2023 và 2024, Ủy ban tiếp tục nhận và xử lý hàng nghìn đơn, thư khiếu nại, kiến nghị với 1.567 đơn năm 2023 và 787 đơn năm 2024. Việc này thể hiện nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát thị trường.
Trong công tác quản lý hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giai đoạn 2020-2022, số hồ sơ tiếp nhận có sự biến động với 205 hồ sơ năm 2020 (đạt 81% so với 2019), 162 hồ sơ năm 2021 (tương đương 80% năm trước), và tăng lên 251 hồ sơ năm 2022, trong đó hơn 85% hồ sơ được xử lý và trả kết quả sớm hơn thời hạn theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.
Sang đến năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận 161 hồ sơ, giảm gần 40% so với 2022, nhưng đạt 100% xử lý đúng hạn và gần 70% trả kết quả sớm, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận 122 hồ sơ và xử lý 182 hồ sơ đăng ký trực tuyến qua cổng dịch vụ công, đạt tỉ lệ xử lý 95%. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng kiểm soát các hợp đồng không thuộc phạm vi đăng ký theo Quyết định của Thủ tướng, ví dụ như hợp đồng “kỳ nghỉ du lịch.” Kết quả xử lý hồ sơ bao gồm 37 hồ sơ được chấp nhận, 113 hồ sơ có thông báo kết quả xử lý, 11 hồ sơ trả lại hoặc doanh nghiệp tự rút, và 31 hồ sơ đang xử lý.

Thực hiện các đề án về bảo vệ người tiêu dùng, trong năm 2023 và 2024, Ủy ban tiếp tục triển khai thành công các hạng mục nhiệm vụ của 06 Đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, nhiều hoạt động đã thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng chục nghìn tổ chức, cá nhân, sự quan tâm, chú ý của hàng triệu người xem như các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham dự của học sinh, sinh viên, người lao động,…
Công tác kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, từ năm 2020 đến tháng 3/2023, đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Trong đó, năm 2020 cấp xác nhận cho 18 cá nhân thuộc 10 doanh nghiệp; năm 2021 tổ chức một đợt kiểm tra với 55 người tham dự và cấp xác nhận cho 5 cá nhân; năm 2022 tổ chức 3 đợt kiểm tra, cấp xác nhận cho 26 cá nhân và công nhận chương trình đào tạo của một đơn vị.
Đến năm 2023, tiếp tục tổ chức 3 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cũng như kiến thức cho đầu mối tại địa phương, qua đó cấp 14 xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và 23 xác nhận kiến thức cho đầu mối địa phương theo đề nghị của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Về công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, tranh chấp, từ năm 2020 đến tháng 6/2023, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2020, đơn vị chức năng tiếp nhận 98 lượt đơn, chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép hoặc hoạt động trái phép. Đến năm 2021, con số này giảm còn 46 lượt, tập trung vào các doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động từ trước đó. Năm 2022, chỉ ghi nhận 9 trường hợp phản ánh, tất cả đều được xử lý và phản hồi kịp thời theo quy định.
Trong năm 2023, Ủy ban tiếp nhận 15 phản ánh về tranh chấp trong hoạt động bán hàng đa cấp, giảm đáng kể so với giai đoạn 2015-2020. Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người tham gia chưa được giải quyết thỏa đáng; Ủy ban đã làm việc với các bên và ban hành văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Ủy ban đã khuyến cáo doanh nghiệp nâng cao việc tuân thủ quy định và đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025 tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, Ủy ban đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ-CP, nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh đa cấp. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng qua báo chí, mạng xã hội, tổ chức tọa đàm, phát hành tài liệu tuyên truyền, khảo sát nhận thức và tổ chức cuộc thi sáng kiến truyền thông. Cục cũng tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý với hệ thống cơ sở dữ liệu, nâng cấp app iMLM, xây dựng sổ tay hướng dẫn cho cán bộ quản lý và tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tại các địa phương.
Về công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giai đoạn 2020-3/2023, cơ quan đã kiểm tra 7 doanh nghiệp về tuân thủ luật cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và quản lý đa cấp; ra quyết định xử phạt hơn 4,6 tỷ đồng đối với doanh nghiệp đa cấp và thu hồi giấy phép 2 doanh nghiệp, xử phạt 1,017 tỷ đồng trong lĩnh vực người tiêu dùng. Cùng thời gian đó, 15 đoàn thanh tra chuyên ngành đã được triển khai.
Từ tháng 4/2023 đến nay, Ủy ban đã kiểm tra 18 doanh nghiệp (phạt 985 triệu đồng về đa cấp, 485 triệu đồng về tiêu dùng) và tổ chức 05 đoàn thanh tra; đã hoàn tất thanh tra 01 doanh nghiệp MLM (phạt 95 triệu đồng) và đang triển khai 05 đoàn thanh tra khác.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong giai đoạn 2020-3/2023, Đảng bộ đã lãnh đạo tổ chức trên 25 hội thảo, tập huấn (phòng chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng), 23 khóa đào tạo về luật cạnh tranh, hơn 10 hội thảo, tọa đàm về cạnh tranh với các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP; cùng nhiều khóa đào tạo, hội nghị đa cấp cho cán bộ quản lý địa phương.
Từ tháng 4/2023 đến nay, công tác này được đẩy mạnh hơn: riêng năm 2024 đã tổ chức 4 cuộc thi, hơn 20 hội thảo, 10 khóa tập huấn, 2 hội thi, 1 triển lãm và 2 tọa đàm chuyên đề lớn về cạnh tranh, tiêu dùng và đa cấp, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về các lĩnh vực quản lý của Ủy ban.
Về hợp tác quốc tế, Đảng ủy đã chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tích cực hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam. Trong giai đoạn 2020-4/2023, Việt Nam chủ động tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN, APEC, ICN, ICPEN và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN năm 2020, thúc đẩy các dự án hỗ trợ kỹ thuật với Úc, Nhật Bản, CHLB Đức để nâng cao năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
Từ tháng 4/2023 đến nay, Đảng bộ lãnh đạo các đoàn đại biểu tham gia 58 sự kiện quốc tế, trong đó Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đảm nhiệm vai trò đồng chủ trì Hội nghị Nhóm Cạnh tranh APEC 2024-2025. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã ký kết 4 bản Ghi nhớ hợp tác với cơ quan cạnh tranh của Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Vương quốc Anh, đồng thời tích cực tham gia đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh và các chương trình cạnh tranh trong FTA như ASEAN-Canada, ASEAN-China nâng cấp, DEPA, IPEFfile. Những kết quả này góp phần nâng cao uy tín, khả năng hợp tác của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, toàn Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đoàn kết, phát huy trí tuệ đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả lĩnh vực xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết Đảng ủy cấp trên và nhiệm vụ chuyên môn đã được triển khai bài bản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên được chú trọng; quy trình kết nạp, quản lý đảng viên được thực hiện chặt chẽ, tạo nguồn cán bộ trẻ, tâm huyết cho Đảng. Hoạt động của Đảng bộ và các đoàn thể quần chúng được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với chức năng nhiệm vụ, giúp nâng cao hiệu quả tổng thể của đơn vị.
Nhiệm kỳ 2025-2030, tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra trong nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.