Số liệu từ cuộc khảo sát về thói quen tiếp cận tin tức do Tiến sĩ Kirsten Eddy, Đại học Oxford (Anh) thực hiện tại một số quốc gia đại diện cho các châu lục cho thấy, chỉ có 37% người trẻ (dưới 35 tuổi) xem và tin vào các tin tức. Trong khi đó, họ quan tâm đến các thông tin “nhẹ nhàng” trên mạng xã hội như giải trí, người nổi tiếng, văn hóa và nghệ thuật (70%).
Người ta gọi đây là “hội chứng sợ tin tức”. Ở Việt Nam cũng tương tự. Những sự kiện thu hút dư luận, như giao dịch vàng miếng hay đám cháy, đều có số người xem tin tức trên báo chí ít hơn những người vào mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok…). Bởi ở đấy, độc giả được cung cấp những chuyện giật gân chưa kiểm chứng và những comment (bình luận) của họ được hiện lên tức thì, không bị kiểm duyệt. Độc giả cũng có thể tương tác với nhau để tìm hiểu thái độ và quan điểm về những vấn đề liên quan.
Nói khách quan, mạng xã hội có những lợi thế hơn báo chí trong kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức khác; nhất là gần như không kiểm duyệt khi cá nhân thể hiện quan điểm, thái độ của mình trước mỗi sự việc.
Nhưng báo chí có thế mạnh riêng mà độc giả rất cần. Tin tức báo chí đưa ra thường được kiểm chứng, có độ tin cậy cao. Trong chặng đường gần một thế kỷ, báo chí cách mạng nước ta đã tự tạo ra một hệ giá trị tích cực, thiết lập được chuẩn mực thông tin của mình. Đó là Thông tin chuẩn xác - Phân tích thấu đáo - Góc nhìn đa chiều.
Với trình độ, năng lực và bản lĩnh, tác phẩm báo chí cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về chính sách phát triển quốc gia cũng như các vấn đề dân sinh khác. Điển hình như những vấn đề của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bệnh viện công - bệnh viện tư, hay thị trường nông sản, giao dịch vàng miếng… Sức mạnh và sự lan toả của báo chí được nhân lên gấp bội với tuyến bài có sự tham gia của độc giả và các chuyên gia kinh tế, xã hội.
Đây cũng là con đường mà báo chí đang nỗ lực “kéo” bạn đọc ra khỏi “hội chứng sợ tin tức”. Mỗi tin tức, thậm chí mỗi con số đều được nhìn nhận đánh giá trung thực, đúng bản chất. Ví dụ như, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan (C/O) theo FTA năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35%.
Khi chỉ đưa con số, độc giả sẽ hoang mang, vậy 62,65% kim ngạch còn lại phải chịu thuế cao? Liệu có phải câu chuyện Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, hoá ra có rất ít thực chất? Nhưng khi báo chí phân tích thẳng vào bản chất của con số đó rằng, 37,35% hưởng ưu đãi thuế quan không đồng nghĩa với phần kim ngạch còn lại phải chịu thuế cao, vì thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường, như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Canada, Australia hay New Zealan… vốn đã 0%, nên hàng hóa không cần C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%; hoặc một số dòng sản phẩm nhập khẩu vào EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có mức thuế thấp, tương đương với thuế suất theo FTA, nên doanh nghiệp Việt Nam không đề nghị cấp C/O, thì độc giả không chỉ không hoang mang, mà còn dấy lên cảm xúc thú vị và độ tin cậy với tin tức mà báo chí cung cấp.
Một con đường khác mà báo chí “kéo” bạn đọc ra khỏi “hội chứng sợ tin tức” là không chỉ tiếp nhận những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ chính trị một cách đơn thuần, mà báo chí có những phân tích, phản biện xã hội để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn, cũng như góp phần giúp cho các nhà hoạch định chiến lược, chính sách và các cơ quan quản lý có những quan điểm, chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn.