Bộ Công Thương đã tham gia đóng góp tích cực trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngoại trừ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, Hội nghị Nhóm Đặc trách cấp cao về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 và hai Hội nghị cấp Quan chức Kinh tế được tổ chức vào đầu năm tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã nỗ lực duy trì tổ chức trên 50 cuộc họp chính thức ở các cấp khác theo hình thức trực tuyến, đảm bảo triển khai đầy đủ chương trình công tác của Năm ASEAN 2020 như kế hoạch đề ra, không để dịch Covid-19 gây gián đoạn các hoạt động hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN.
Về nội dung hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020, cho đến tháng 12 năm 2020, đã hoàn thành 11/13 sáng kiến trải rộng trong tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế ASEAN theo 3 định hướng chính dưới chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm ASEAN 2020 là:
a) Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN;
b) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; và
c) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020 theo hình thức trực tuyến.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng RCEP, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các nước tìm giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc trong bối cảnh đàm phán Hiệp định trở nên phức tạp từ đầu năm, kết thúc hoàn toàn đàm phán để ký kết Hiệp định.
Các sáng kiến còn lại đang được tiếp tục triển khai theo kế hoạch để hoàn thành theo đúng thời hạn đề ra.
Trước tình hình chuỗi cung ứng khu vực bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nước ASEAN thống nhất đưa ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 được thông qua ngày 10/3/2020.
Tiếp tục triển khai và cụ thể hóa các biện pháp trong Tuyên bố chung này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày 19/6/2020 và ký kết Biên bản Ghi nhớ về việc xử lý các biên pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu vào ngày 10/11/2020.
Ngoài ra, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN và một số nước đối tác thông qua nhiều sáng kiến cấp Bộ trưởng nhằm ứng phó với các tác động của dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng khu vực.
Trong năm 2020, hợp tác kinh tế nội khối ASEAN cũng được tăng cường, thể hiện qua các kết quả cụ thể như: thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC), nghiên cứu Rà soát tổng thể Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Báo cáo sơ bộ về đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 - là một trong 13 sáng kiến hợp tác kinh tế của Việt Nam cho Năm ASEAN 2020 đã được hoàn thành, trong đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể về những lĩnh vực cần tập trung thúc đẩy để phát triển thương mại, đầu tư nội khối, khai thác tối đa lợi ích của hội nhập kinh tế ASEAN, xây dựng ASEAN trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Về hợp tác ngoại khối, ngoài việc thực thi 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-lia/ Niu-Di-lân, Ấn Độ, Hồng Công - Trung Quốc và ký Hiệp định RCEP, trong năm 2020, Việt Nam cũng tham gia thảo luận về việc nâng cấp Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Ốt-xtrây-li-a-Niu-Di-lân (AANZFTA) theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại hơn nữa.
Như vậy, trong cả giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đưa ASEAN trở thành khu vực năng động, phát triển và điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai đầy đủ các biện pháp, sáng kiến, ưu tiên phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN, giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại), thương mại dịch vụ và đầu tư, giao thông vận tải, hợp tác tài chính, chính sách cạnh tranh, nông nghiệp, năng lượng, kết nối ASEAN,…