Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam gây tác động đến tâm lý người dân và ảnh hưởng tới thị trường các hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các địa phương.
Theo đó, yêu cầu các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ: "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ";
Và 3 sẵn sàng: "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”; chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống;
Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Cụ thể như: Đã phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020, đặc biệt là tổ chức "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 - Vietnam Grand Sale 2020" diễn ra từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến ngày 31 tháng 7 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc;
Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; các hoạt động kết nối cung cầu các mặt hàng thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; kết nối xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền tại nhiều tỉnh trên cả nước;
Phối hợp với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình "Tinh hoa Việt Nam - Made in Việt Nam" bao gồm nhiều hoạt động nổi bật như: Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc các ngành hàng chủ lực của Việt Nam (cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách);
Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam & Thái Lan dành cho các doanh nghiệp Việt Nam với hơn 100 Doanh nghiệp Việt tham gia, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt và các nhà bán lẻ trong nước và Thái Lan...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Long, Yên Bái, Quảng Ninh… tổ chức các hoạt động kích cầu, Hội nghị kết nối cung cầu bình ổn thị trường... thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 100 đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng, sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, người tiêu dùng trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới.
Kết quả là, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ. Sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 12 tháng đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,0% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. .
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 ước gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 9,4%/năm.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.
Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ (Co.opmart: 90 - 93%, Satra: 90 - 95%, Vinmart: 96%...) và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82 - 85%...).
Đặc biệt, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi có sự điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).