Kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk

Chiều ngày 09/7/2024, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, nhà phân phối để hợp tác liên kết phát triển sản phẩm.

Tham dự Hội nghị có ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk; cùng sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk.

tiêu thụ sản phẩm
Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị là dịp để doanh nghiệp giữa 2 địa phương có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, trao đổi những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.  Các sản phẩm trưng bày và tham gia kết nối tập của hai tỉnh trung vào các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh xuất khẩu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Khu vực trưng bày của các doanh nghiệp đã thu hút sự quan tâm của quý đại biểu, doanh nghiệp, nhà phân phối và đơn vị xuất khẩu. Nhiều mặt hàng tiềm năng được đánh giá cao và được với nhiều đơn vị quan tâm kết nối.

Hiện nay, các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh Bình Thuận chủ yếu là thủy sản và nông sản. Về thuỷ sản, sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm của tỉnh đạt 200.000 - 210.000 tấn; toàn tỉnh có 207 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu; sản phẩm thủy sản chế biến theo chương trình quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000:2005 tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Mỹ

Về nông sản, tỉnh Bình Thuận có thanh long, cao su, hạt điều..., trong đó, chủ yếu là thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận”. Toàn tỉnh có 35 Hợp tác xã , 01 Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất thanh long, 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long, 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tươi và 16 cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái thanh long. Có 632 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ…; có 312 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Liên Bang Nga, Mỹ, Úc, Đức, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan…

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận còn có 135 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 99 sản phẩm 3 sao; 34 sản phẩm 4 sao và 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đối với tỉnh Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam với diện tích hơn 200.000 ha, đạt sản lượng bình quân 550.000 tấn/năm và đã xuất khẩu sang 75 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng khác như: Hồ tiêu (diện tích trên 31.000 ha), ca cao (1.100 ha), bơ (hơn 2.500 ha)… và đang phát triển ngành ong mật với khoảng 300.000 đàn ong (sản lượng đạt 15.000 tấn/năm).

Tham gia Hội nghị có 19 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cà phê, mắc ca, ca cao, hồ tiêu, cao su, mật ong, tinh bột nghệ, Trà mãng cầu, tinh bột nghệ…các thế mạnh về thương mại của tỉnh đến với người tiêu dùng tỉnh Bình Thuận.

Các doanh nghiệp 2 tỉnh trao đổi thông tin, kết nối giao thương
Doanh nghiệp 2 tỉnh trao đổi thông tin, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk mong muốn và đề nghị các doanh nghiệp 2 tỉnh chủ động cùng chia sẻ, kết nối và hợp tác với nhau cùng phát triển.  Cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương trong lĩnh vực trao đổi hàng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó cũng rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguồn nguyên liệu nông sản phong phú đa dạng về chủng loại.  

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk hy vọng rằng, những tiềm năng, thế mạnh được giới thiệu của tỉnh Đắk Lắk sẽ thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận. Tỉnh Đắk Lắk cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Bình Thuận trước, trong và sau quá trình đầu tư, kinh doanh ở tỉnh Đắk Lắk.

Để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của 2 tỉnh Đắk Lắk và Bình Thuận kết nối tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quan tâm, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk quan tâm kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Bình Thuận.

Doanh nghiệp 2 tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ
Doanh nghiệp 2 tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm

Kết thúc Hội nghị đã có 12 biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa doanh nghiệp giữa tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk.

Bảo Khánh