Cụ thể, Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT - sàn HoSE) dự kiến chia cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng cổ tức. Với 1.270 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Tập đoàn FPT sẽ phải chi ra khoảng 1.270 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.
Trước đó, Tập đoàn FPT cũng đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho cổ đông.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT còn có kế hoạch phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20:3, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu thưởng. Qua đó, nâng vốn điều lệ của Tập đoàn FPT lên mức 14.605 tỷ đồng, tương ứng tăng 15%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.989 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.932 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 31% kế hoạch doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ mảng công nghệ chiếm 60,3% tổng doanh thu, đạt 11.455 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ công nghệ nước ngoài đạt 9.450 tỷ đồng, tăng tới 29% và ghi nhận tăng ở tất cả các thị trường, đặc biệt là Nhật Bản và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Doanh thu ký mới đạt 13.940 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do Tập đoàn FPT đã đẩy sớm việc ký mới vào cuối năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị đơn hàng thắng thầu và đang trong giai đoạn xúc tiến ký kết tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu từ mảng viễn thông (chiếm 28,3%) đạt 5.365 tỷ đồng và doanh thu từ mảng giáo dục (chiếm 11,4%), đạt 2.169 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 42% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ đáng chú ý về lĩnh vực chip bán dẫn tại phiên thảo luận "Hợp tác phát triển Công nghiệp bán dẫn" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024".
Theo ông Trương Gia Bình, phát triển chip bán dẫn là “thiên thời” của Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn FPT tiết lộ, trong số các quốc gia được Hiệp hội Bán dẫn Mỹ hỗ trợ phát triển chip bán dẫn thì Việt Nam là quốc gia duy nhất được hỗ trợ cả phần sản xuất. Qua đó, cho thấy phía Mỹ đặc biệt coi trọng Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành chip bán dẫn bên ngoài nước Mỹ.
Mỹ hiện đang áp dụng chiến lược friendshore - các công nghệ cốt lõi phải nằm ở quốc gia đáng tin cậy với Mỹ. Điều này cũng đã được đưa vào Đạo luật Khoa học và Chip (Chip Act) được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua vào năm 2023. Một trong những nội dung chính của đạo luật này là tài trợ cho các công ty xây dựng nhà máy chip bán dẫn tại Mỹ, và tài trợ phát triển chip cho các quốc gia thân thiện với Mỹ, ông Trương Gia Bình lý giải.