Khắc phục khó khăn cho cá tra xuất khẩu

Ngày 20/11/2014, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vừa ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi rà soát thuế lần thứ ha

Theo đó, ít nhất trong 5 năm tới, sản phẩm cá da trơn của Việt Nam vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Việc ITC áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế và không phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự kiến năm 2014, xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2013. Vốn được coi là mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản, xuất khẩu cá tra chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch thủy sản hàng năm, nhưng sản phẩm này đang phải đối mặt những khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cùng sự áp đặt ngày càng khắt khe của đối tác thông qua các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá...

Theo đánh giá của VASEP, sở dĩ xuất khẩu cá tra có nhiều khả năng giảm 5% so với năm trước là do hai yếu tố: rào cản kỹ thuật và rào cản thị trường. Cụ thể, đối với cá tra, việc mở rộng xuất khẩu ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế tăng trưởng chậm và bị khống chế bởi thuế chống bán phá giá và các tiêu chuẩn chất lượng được áp đặt ngày càng khắt khe. Thực tế, ITC đưa ra kết luận võ đoán dựa trên căn cứ quốc gia để tính giá là Indonesia thay vì Bangladesh trước đó khiến cá tra, basa của Việt Nam bị áp thuế cao.

Tác động từ mức thuế chống bán phá giá (POR) của Mỹ đã ảnh hưởng một phần đến giá cá nguyên liệu. Theo thông lệ, sau mỗi lần công bố kết quả cuối cùng POR vào cuối tháng 3 hằng năm thì sau đó khoảng 1 đến 2 tháng (vào tháng 5 và 6), giá cá sẽ giảm xuống. Tính đến hết tháng 9 năm nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi hơn 3 nghìn ha cá tra (giảm 15% so cùng kỳ), theo đó sản lượng thu hoạch giảm gần 20%.

Do bị áp thuế cao và sức mua yếu, tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào 2 thị trường chính là EU và Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2014 chiếm 39,3%, giảm so với 45,1% tỷ trọng của cùng kỳ năm 2013. EU là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang EU trong 9 tháng năm 2014 đạt giá trị 261,02 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2013. Tây Ban Nha vẫn duy trì vị trí dẫn đầu nhập khẩu cá tra trong khối EU, tiếp đến là Hà Lan, Đức và Anh.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 9 tháng năm nay đạt giá trị 240,81 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Sự sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh. Cụ thể, cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con) hiện chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 - 24.500 đồng/kg.

Theo tính toán của bà con nuôi cá tra, để đầu tư nuôi một ao cá nguyên liệu rộng khoảng 5.000 m2 phải tốn ít nhất 1,5-2 tỉ đồng. Giá nguyên liệu xuống thấp, người nuôi cá sẽ lỗ, khả năng tái đầu tư cho vụ nuôi kế tiếp không có. Điều này đồng nghĩa là ngành cá tra của chúng ta sẽ rơi vào cảnh khủng hoảng thiếu trong năm tới.

Nhằm giúp ngành cá tra xuất khẩu thuận lợi, một mặt chúng ta tiếp tục đấu tranh, yêu cầu ITC có cái nhìn khách quan hơn trong các hoạt động thương mại giữa hai nước, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng filet cá da trơn của Việt Nam cũng như lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối của Mỹ, mặt khác chúng ta cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 36/2014/NĐ-CP và Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thi hành Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra theo hướng có quy hoạch, kế hoạch.


Lê Văn