Ông Nguyễn Hữu Thắng- Giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Trị
Với 55% diện tích núi rừng và 75 km bờ biển, Quảng Trị có các bãi tắm đẹp như: Cửa Việt, Mỹ Thủy, Vĩnh Thái, Cửa Tùng – được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”, cách bờ 28 km là đảo du lịch Cồn Cỏ đang được đầu tư cơ sở hạ tầng... Ngoài ra, thiên nhiên còn ban tặng cho Quảng Trị nhiều thắng cảnh kỳ thú, với những cánh rừng nguyên sinh cùng hệ động thực vật phong phú được bảo tồn như: Rú Lịnh, Đakrông, Trằm Trà Lộc, Rào Quán, Khe Sanh, Khe Gió, Thác Ồ Ồ...Đặc biệt, Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, trong tổng số 500 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa đã được kiểm kê, đánh giá, trong đó có tới 30 di tích được xếp hạng quốc gia. Tiêu biểu phải kể đến những di tích có giá trị lớn như: Địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh – Tà Cơn – đường 9, hàng rào điện tử Mc.Namara, đảo Cồn Cỏ anh hùng... đó là cơ sở để hình thành chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, Chương trình du lịch DMZ (Du lịch vùng phi quân sự) trở thành thương hiệu nổi tiếng của Quảng Trị trong những thập kỷ qua, đang thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Đến với Quảng Trị, bất cứ ai cũng được thưởng thức nhiều di tích văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh đặc sắc, các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Trong đó, chùa Sắc Tứ, ngôi chùa cổ nhất miền Trung và nhà thờ La Vang đã thu hút đông đảo tín đồ và du khách bốn phương về dự lễ hội hàng năm. Và cũng phải kể đến các lễ hội đâm trâu, ngày mùa, cồng chiêng... của các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều; Lễ hội cướp cù, đua thuyền... của đồng bào miền xuôi. Thời gian gần đây, Quảng Trị tổ chức các lễ hội cách mạng với màu sắc, âm hưởng mới như: Lễ hội Thống nhất non sông, Huyền thoại Trường Sơn, đêm Thành Cổ, lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á, tiếng hát Đường Chín Xanh... đã gây được tiếng vang và ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách.
Đến với di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, chúng ta được đến với Lễ hội Thống nhất non sông biểu trưng cho khát vọng thống nhất, đoàn tụ của dân tộc Việt Nam. Về với Thành cổ Quảng Trị, du khách được trải nghiệm trong đêm Thành Cổ, lễ thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, đến với nơi đây khiến chúng ta nhớ tới sự hy sinh lớn lao, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các chiến sĩ Thành Cổ đã ngã xuống mùa hè đỏ lửa 1972. Với Lễ hội Văn hóa – Du lịch Nhịp cầu Xuyên Á, Tiếng hát dường 9 Xanh, Liên hoan nghệ thuật 3 nước Đông Dương là nơi gặp gỡ, giao lưu quan hệ hợp tác văn hóa, thương mại, du lịch giữa các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mê kông.
Các khu dịch vụ du lịch Cửa Tùng, Cửa Việt, khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Đông Hà thu hút đông các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở kinh doanh du lịch phát triển nhanh với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. Hiện nay, trên toàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp, hàng trăm hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh du lịch, với 85 khách sạn, nhà nghỉ. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị tăng đều qua các năm, đặc biệt lượng khách du lịch đến thăm quan tour Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội khách đường bộ qua tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây tăng mạnh. Nếu như số lượt khách quốc tế đến Quảng Trị năm 2005 đạt 70.000 lượt khách, đến năm 2011 đạt trên 1 triệu lượt. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế thời kỳ 2005- 2011 đạt trên 16%, doanh thu xã hội về du lịch đạt 20%.
Để đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, ngày 15/11/2011, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU, trong đó xác định trọng tâm thương mại, du lịch, dịch vụ giữ vị trí quan trọng phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó mà các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển được thực hiện rộng rãi, đồng bộ hơn. Mặc dù rất khó khăn về kinh tế, song Tỉnh đã dành nguồn ngân sách lớn để đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử trọng điểm, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ tham quan du lịch. Song song với việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo là nỗ lực tôn vinh và phổ biến các giá trị phi vật thể của di sản văn hóa. Một trong những việc làm có hiệu quả là đã xây dựng thành công loại hình lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa – du lịch tạo được bước đột phá trong thu hút khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị.
Việc tập trung các giải pháp phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng để phát triển du lịch, nhất là việc xúc tiến quảng bá chương trình du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, kết hợp với du lịch Hành lang Đông - Tây, nỗ lực tổ chức các sự kiện lễ hội đã đem lại kết quả khả quan trên nhiều mặt, hình ảnh du lịch Quảng Trị được khẳng định.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, giá trị to lớn của hệ thống di sản văn hóa của Quảng Trị, các giá trị đạt được còn ở mức khiêm tốn, chưa bền vững. Để tiếp tục khai thác tốt các giá trị văn hóa kết hợp phát triển du lịch, trong thời gian tới, Quảng Trị cần tập trung vào các mặt: Đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, khơi dậy và phát huy những di sản văn hóa đã có, đồng thời chọn lọc những giá trị tinh hoa, vận dụng và sáng tạo để tập trung đầu tư khai thác có trọng tâm, trọng điểm…, sớm hình thành các sản phẩm du lịch có giá trị độc đáo thu hút khách.
Bên cạnh đó, Quảng Trị cần làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức xúc tiến quảng bá các sản phẩm một cách đồng bộ và rộng rãi. Bởi lẽ, thời gian qua, Quảng Trị đã có quy hoạch, xúc tiến quảng bá, tuy nhiên công tác này chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Các hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa – du lịch tuy được tổ chức khá bài bản, nhưng chưa tạo được tính định kỳ, tập trung, vì vậy chưa chủ động trong quảng bá, giới thiệu, khai thác sản phẩm. Tăng cườn g hợp tác, liên kết với các tỉnh, địa phương trong khu vực và các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, khai thác thế mạnh của từng địa phương để phát triển du lịch và tham gia hội nhập quốc tế.
Khai thác các giá trị di sản văn hóa phải kết hợp đồng thời công tác bảo vệ tôn vinh các giá trị văn hóa. Công tác đầu tư tôn tạo các di sản văn hóa phải chú trọng và đảm bảo phát huy các giá trị để khai thác phục vụ du lịch, biến các giá trị di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch. Khai thác các giá trị văn hóa trên cơ sở lồng ghép với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch quá cảnh mua sắm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.