Tiêu thụ tăng mạnh
Những tháng cuối năm, tiêu thụ tăng mạnh đồng thời tồn kho giảm mạnh do các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trả nợ đơn hàng, nhất là ngành dệt may và giày dép.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2013 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2012, trong đó: một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất đồ uống tăng 2,6 lần; sản xuất giày, dép chỉ còn tăng 19,6% (thời điểm tháng trước tăng 33,0%); sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng gấp 2 lần; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 31,4%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 16,1%; sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự tăng 41,9%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 18,4%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng gấp 2,8 lần; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng gấp 2 lần; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 34,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng gấp 2,7 lần, v.v...
Những ngành chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2012 gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 44,2%; sản xuất xi măng giảm 43,1%; sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng và thạch cao giảm 14,0%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 74,9%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 16,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 48,0%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 28,5%, v.v...
Xuất khẩu điện thoại và máy vi tính tăng cao
Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với tháng 10 năm 2012, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,45 tỷ USD, tăng 24,5% so với tháng 10 năm 2012.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 107,97 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 66,14 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do các mặt hàng công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện. Xét theo khối doanh nghiệp, tăng tưởng xuất khẩu của khu vực FDI đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu. Tính đến nay đã có 20 nhóm/mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với trị giá xuất khẩu trên 17,7 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
Trả lời câu hỏi về những biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao các đơn vị theo dõi sát thị trường tiềm năng này, chú trọng quảng bá các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã ban hành các Chỉ thị, đồng thời ký kết Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy xuất khẩu gạo và hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Bà Phan Thị Diệu Hà cũng cho biết: 9 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu nông sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sắn, cao su, gạo, điều, thủy sản, rau quả, v. v...
Để khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này, bà Phan Thị Diệu Hà đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, thu hoạch đúng mùa vụ; chủ động nắm bắt thông tin về thị trường và đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết tạo thành chuỗi gắn kết trong việc xuất khẩu để đạt giá trị cao nhất khi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Điều tra việc tăng giá cước 3G
Từ ngày 16/10/2013, ba doanh nghiệp viễn thông lớn Viettel, Mobiphone, Vinaphone đã đồng loạt tăng giá cước 3G. Dư luận xã hội đã đặt ra ba vấn đề lớn: Một là, 3 doanh nghiệp này vi phạm Luật Cạnh tranh như thế nào? Hai là, có sự "bắt tay" thỏa thuận tăng giá của ba nhóm doanh nghiệp hay không? Ba là, phải chăng các doanh nghiệp này đã lạm dụng vị trí thống lĩnh để tự tăng giá cước?
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranhVề vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: trước đó, ngày 14/10, Cục đã yêu cầu 3 doanh nghiệp Viettel, Mobiphone, Vinaphone phải giải trình và báo cáo tình hình cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề pháp luật nên chưa thể giải quyết sớm. Hiện tại, dưới sự chỉ đạo từ Chính phủ, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp tục điều tra sự việc. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định: Bộ Công Thương sẽ công khai minh bạch kết quả điều tra nhằm giải đáp những bức xúc của dư luận về sụ việc này.
Thu giữ 300 xe đạp điện thiếu chứng từ
Thời gian gần đây, xe đạp điện được ưa chuộng do giá cả hợp lý, đi lại thuận tiện, do đó, không ít doanh nghiệp đã nhập về để bán.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam cho biết, mặt hàng này được nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm 2013, quản lý thị trường đã tịch thu gần 300 xe đạp điện các loại, vi phạm chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ hợp lệ (hàng nhập lậu).
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trườngTheo ông Đỗ Thanh Lam, việc quản lý mặt hàng này cần có nhiều giải pháp, trong đó hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, xây dựng hàng rào chống buôn lậu để hàng trong nước phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Bên cạnh đó, cần thiết lập kênh phân phối phù hợp nhằm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ trì họp báo thường kỳ tháng 10Quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ trong 2 tháng cuối năm bám sát tình hình thực tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng, miền; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cần chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013.
Đối với các mặt hàng nhập khẩu, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư. Đồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ); phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tích cực thực hiện các giải pháp để đảm bảo sản xuất và cung ứng điện cho sản xuất cũng như tiêu dùng những tháng cuối năm; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các nhà máy điện sự cố và hoàn thành các nhà máy điện mới để huy động thêm công suất cho hệ thống; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên: thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của các tháng cuối năm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ cơ quan Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ.