Ở những đất nước sùng bái đạo Phật, đền chùa miếu mạo vốn là chốn linh thiêng, là nơi mà con người ta gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, giáo chúng đã không ngừng sáng tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo.
Dưới đây là những kiến trúc đền chùa độc đáo trên thế giới:
Chùa Đá Vàng
Chùa Đá Vàng (hay chùa Kyaikhtiyo) ở Myanmar là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Myanmar đồng thời cũng đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Người ta nói rằng, chùa được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước. Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá, được neo giữ chỉ bởi một sợi tóc của Đức Phật. Ngôi chùa được xây dựng trên tảng đá hình quả trứng to lớn đó trên độ cao 1100 m so với mặt biển.
Gắn liền với hòn đá vàng là cả một truyền thuyết thú vị và kỳ bí về việc Đức Phật đến truyền đạo ở nơi đây. Bởi vậy, lúc nào nơi đây cũng có đông đảo người tới thăm viếng, chiêm bái, hành lễ. Một điều đặc biệt là mặt tiếp xúc giữa hòn đá và mặt đất chỉ có 78 cm².
Chùa Bạch Long
Chùa Bạch Long là công trình kiến trúc độc đáo của Thái Lan nằm tại tỉnh Chiang Rai. Chùa được kiến trúc sư nổi tiếng Thái Lan đồng thời là họa sĩ Chalermchai Kositpipat thiết kế; bắt đầu được xây dựng vào năm 1997.
Toàn bộ ngôi chùa mang sắc trắng, cùng với vô vàn hình rồng uốn lượn đúng như tên gọi của nó bạch long tức là rồng trắng. Rất nhiều kim loại bằng bạc đã được dùng để kiến tạo nên ngôi đền này, trong ánh sáng lung linh ngôi đền này đẹp hơn bao giờ hết. Bao quanh ngôi chùa chính là một công viên có hồ cá và những tác phẩm điêu khắc màu trắng.
Mỗi bức tượng là một sinh vật huyền thoại có ý nghĩa nhất định. Du khách và những tín đồ Phật giáo đều muốn được đến đây thắp hương cầu Phật vì tin rằng Bạch Long Tự vốn rất linh thiêng.
Chùa Asakusa Kannon
Chùa Asakusa Kannon (hay Sensoji) là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất hiện nay của Tokyo, xây dựng vào thế kỷ 7, sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản.
Theo truyền thuyết cổ xưa, có hai anh em khi đang đánh cá trên sông Sumida-gawa đã tìm thấy một tượng Phật Quan Âm (Kannon) vướng vào trong lưới của mình. Mặc dù, nhiều lần thả tượng Phật về với dòng sông nhưng bức tượng vẫn quay trở lại với họ. Vị trưởng lão trong làng nhận ra được sự linh thiêng của bức tượng nên đã hiến một phần ngôi nhà của mình lập nên ngôi đền nhỏ thờ Phật Quan Âm, chính là Sensoji ngày nay.
Chính điện lớn của chùa Asakusa Kannon là Điện Quan Âm (Kannondo). Chính điện cũ được xây dựng lại vào năm 1649 và được công nhận là di sản quốc gia. Đại điện quay mặt về phía Nam, bên trong đại điện được phân thành 2 khu vực: khu vực dành cho tín đồ ở phía trước và khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong.
Vào ngày 13-12 hàng năm, cửa đại điện được mở, tuy nhiên các tín đồ chỉ được phép thắp nhang và đứng xem tượng Phật Quan Âm ở phía ngoài, còn khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong thì không được phép vào.
Đền có hai cổng chính là cổng Sấm và cổng Hozomon được nối với nhau bởi con đường mua sắm Nakamise. Trước khi tiến vào ngôi đền, du khách sẽ phải đi qua cổng Kaminarimon (cổng Sấm), biểu tượng đặc trưng của Asakusa và cả thành phố Tokyo. Đây là một trong hai cổng chính của ngôi đền, được xây dựng vào năm 942.
Trước cổng có treo một chiếc đèn lồng lớn màu đỏ, cao 4m, chu vi 3.4m, nặng khoảng 670kg, hai bên là bức tượng của 2 vị thần: thần Raijin (thần sấm) và thần Fujin (thần gió).
Chùa Kinkakuji
Chùa Kinkakuji (hay chùa Vàng) ban đầu là một khu nhà nghỉ của tướng quân Ashikaga, tổng tư lệnh dưới thời Muromachi. Sau khi ông chết, ngôi nhà trở thành một ngôi chùa được dát toàn vàng lá. Ngôi chùa này nổi tiếng tới mức được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy tại các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kinkaku-ji Temple được thiết kế để trông giống như trời và đất vươn ra chạm vào nhau. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Chùa Vàng là một vị thế rất ấn tượng giữa những tán xanh của lá và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước thực hư làm nên một Kinkakuji – viễn cảnh nổi tiếng nhất của Kyoto.
Kinkakuji là một cấu trúc ấn tượng được xây dựng trong một cái hồ lớn. Tầng đầu tiên của Kinkakuji được xây dựng theo phong cách Shinden sử dụng cho các tòa nhà cung điện trong thời kỳ Heian với trụ cột làm bằng gỗ tự nhiên, tường thạch cao màu trắng tạo nên sự tương phản nhưng lại làm nên nét hài hòa cho 2 tầng trên được dát vàng.
Tượng Phật Shaka và Yoshimitsu được lưu trữ ở tầng đầu tiên. Tầng thứ hai được xây dựng theo phong cách Bukke được sử dụng làm nhà ở của samurai, bên ngoài được bao phủ hoàn toàn bằng những lá vàng mỏng. Bên trong là Bồ Tát Kannon, ngồi bao quanh bởi các bức tượng của 4 vị vua trên thiên đình.
Cuối cùng, tầng thứ ba và cao nhất được xây dựng theo phong cách của một ngôi chùa Zen Trung Quốc, được mạ vàng bên trong và ngoài, và trên đỉnh mái là một con phượng hoàng được đúc bằng vàng.
Angkor Wat
Angkor Wat của Campuchia được xây dựng trong thế kỷ 12. Ban đầu đây là nơi thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật.
Sau khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh trong thế kỉ 15, Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.
Angkor Wat là sự kết hợp của hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: kiến trúc đền -núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Kiến trúc này tượng trưng cho Núi Meru, quê hương của các vị thần trong truyền thuyết Ấn Độ giáo: nằm giữa một con hào và lớp tường bao dài 3.6 km (2.2 dặm) là khu chính điện ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm. Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc hình vuông.
Không giống những ngôi đền theo phong cách Angkor khác, Angkor quay mặt về phía Tây. Ngôi đền được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá.
Chùa That Luang
Là một tòa lâu đài tráng lệ, đồ sộ nằm ở trung tâm kinh thành với tháp nhọn vàng rực rỡ kiêu hãnh vươn lên giữa bầu trời xanh yên ả của Vientian, Chùa That Luang được xây dựng vào khoảng năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên.
Tới thế kỷ XVI, đức Vua của Vương quốc Lan Xang quyết định dời kinh đô của đất nước Triệu Voi từ Luang Prabang về Viêng Chăn. Và That Luang được tu bổ lại xây bọc thêm ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay.
Kiến trúc của ngôi chùa tiêu biểu cho những nét văn hóa Lào. Tương truyền, That Luang là một trong số ít những ngôi chùa của đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập cõi Niết Bàn. Thạt Luông gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng.