Ngày 7/6/2024, tại Trung tâm Hội nghị Công đoàn, Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam (IWCA Vietnam) tổ chức Talkshow “Phụ nữ và cà phê bền vững”. Talkshow nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Coffee Challenge 2024.
Talkshow có sự góp mặt của các diễn giả: Bà Lê Thị Hằng - Giám đốc Điều hành Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế tại Việt Nam (IWCA Vietnam); Bà Hoàng Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH WECA Cà phê; Bà Đỗ Lan Hương - Giám đốc REO Cà phê. Cùng với sự hiện diện của các đơn vị thành viên IWCA Việt Nam và đại diện các đơn vị cà phê uy tín tại Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực nữ là yếu tố quan trọng phát triển cà phê bền vững
Theo bà Hoàng Thị Hường - Giám đốc của WECA Cà phê, thế mạnh của Việt Nam trong ngành công nghiệp cà phê rất giàu có, đó là vị trí địa lý nơi giao lưu giữa nóng và lạnh, giữa lục địa và đại dương, tạo ra hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Điều kiện tự nhiên này rất phù hợp cho sự phát triển cà phê, nhờ vậy, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới.
Dù vậy, Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu về mặt số lượng và hạt robusta chiếm phần lớn. Khách hàng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tập trung vào các thị trường lớn như: châu Mỹ, Bắc Mỹ, các nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đại diện WECA Cà phê, để gia tăng giá trị chất lượng của một ly cà phê, cần quan tâm tới phát triển cà phê bền vững và yếu tố về giới trong thị trường cà phê. Bởi hiện nay thị trường lao động sản xuất trong ngành cà phê là nữ chiếm 70% ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó ở Việt Nam điều này được biểu hiện rõ ràng hơn cả, khi nền sản xuất cà phê chính ở Việt Nam tập trung vào các nông hộ và phụ nữ đảm nhiệm vai trò sản xuất chính.
Song, khi phụ nữ tham gia vào sản xuất cà phê, họ đang đối mặt với nhiều thách thức như tiếp cận về mặt đất đai, khoa học kỹ thuật, thị trường… Chẳng hạn như tính phân mảnh điều kiện tự nhiên ở Việt Nam rất lớn, các khu vực tập trung cà phê là ở vùng cao Sơn La và Tây Nguyên, theo phân bố khu vực dân cư thì đó là khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy họ có điều kiện khó khăn để tiếp cận về mặt khoa học kỹ thuật.
Như vậy điều này đặt ra thách thức về sản xuất cà phê một các đồng đều theo quy chuẩn thay vì sản xuất thủ công truyền thống, chưa đảm bảo tiêu chuẩn đầu vào của những thị trường “khó tính” trên thế giới.
“Trong nền tiêu thụ cà phê toàn cầu có các tiêu chuẩn về giá trị của hạt cà phê, ngoài các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, có một yếu tố để gia tăng giá trị đó là sản phẩm đáp ứng được tiêu chí liên quan tới yếu tố phát triển bền vững. Vì vậy, khi tập trung đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực là phụ nữ thì sẽ có cơ hội để cải thiện được chất lượng, giá trị hạt cà phê”, đại diện WECA Cà phê cho biết.
IWCA xây dựng cộng đồng “sân chơi” bền vững trong ngành cà phê
Chia sẻ về vai trò doanh nghiệp xã hội hoạt động trong ngành cà phê, bà Lê Thị Hằng - Giám đốc IWCA tại Việt Nam cho biết, IWCA Việt Nam đã có những hoạt động trao quyền cho phụ nữ trong ngành cà phê, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số.
“Năm 2023, chúng tôi thực hiện thành công dự án "Trao quyền và phát triển kỹ năng an toàn vệ sinh lao động trong môi trường làm việc cho nữ nông dân trồng cà phê tại địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La" với các hoạt động nổi bật: Tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho nữ nông dân Sơn La; Workshop ecotour, quản trị tài chính trong gia đình…”, Giám đốc IWCA tại Việt Nam cho hay.
Các hoạt động này giúp các nữ nông dân Sơn La thêm tự tin và hiểu hơn về canh tác cà phê bền vững trong giai đoạn hiện nay.
“Khi IWCA có mặt tại Việt Nam, chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng mà tất cả các thành viên từ nhà sản xuất cho tới các thương hiệu làm cà phê tại Việt Nam, cùng gắn kết với nhau giúp cho sản phẩm cà phê Việt Nam lớn mạnh, để mang sản phẩm cà phê cũng như văn hóa cà phê của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời mang đến những giá trị kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số đầu chuỗi sản xuất cà phê”, Giám đốc IWCA tại Việt Nam bày tỏ.
Bà Lê Thị Hằng nhấn mạnh, trong chuỗi cung ứng, để phát triển bền vững thì không chỉ người bán và người mua mà còn phải giải quyết “bài toán” về những người sản xuất cà phê đầu chuỗi cung ứng. IWCA Việt Nam luôn tự hào vì có một cộng đồng có sự tham gia của rất nhiều thương hiệu cà phê để tạo thành một cộng đồng có “sân chơi” bền vững, gắn kết mang sản phẩm thị trường Việt nam ra nước ngoài, cũng như khách hàng nội địa.
Hạt A Cà phê là đơn vị cà phê truyền thống được hình thành và phát triển hơn 40 năm. Chị Võ Thúy Hằng - Đại diện Hạt A Cà phê chia sẻ về sự hợp tác giữa IWCA và Hạt A Cà phê để cùng chung tay phát triển ngành công nghiệp cà phê bền vững: “Sự hợp tác giữa IWCA là một bước tiến lớn đối với chúng tôi hiện nay vì vì đây là một đơn vị uy tín và tạo cộng đồng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối, chia sẻ và đồng hành cùng nhau trong chặng đường tiếp theo.”
Theo Đại diện Hạt A Cà phê, những buổi workshop, talkshow sẽ giúp chia sẻ những thông tin hữu ích, tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp làm cà phê Việt Nam phát triển và có định hướng tốt hơn.
IWCA và sứ mệnh của người phụ nữ hạnh phúc làm cà phê
Để phát triển cà phê bền vững, cần chú trọng vào yếu tố con người, và người phụ nữ làm cà phê hạnh phúc là người thực hiện sứ mệnh đó.
Bà Đỗ Lan Hương - Giám đốc công ty cà phê REO đã có chia sẻ về sứ mệnh người phụ nữ làm cà phê hạnh phúc. Theo Giám đốc REO Cà phê, câu chuyện về sứ mệnh của người làm cà phê phụ nữ chỉ được gọi tên và làm rõ khi tham gia vào IWCA Việt Nam.
Sứ mệnh của người phụ nữ làm cà phê hạnh phúc đó là giúp cho tất cả những người làm cà phê hiểu rõ giá trị của ngành cà phê và hiểu giá trị của cà phê trong chuỗi và nền nông nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, sứ mệnh đó còn là giúp cho những người làm trong ngành cà phê trưởng thành hơn trong quan niệm về quan hệ xã hội và chuyên môn của ngành.
“Hơn hết, sứ mệnh quan trọng của người làm cà phê là “thổi hồn” vào hạt cà phê để mang lại giá trị vật chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, tất cả những người làm ngành cà phê đều có thể làm chủ được trong khó khăn để vững vàng trên hành trình làm cà phê”, Giám đốc REO Cà phê nhấn mạnh.
Tiếp nối những thành công mà IWCA đã thực hiện, để thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững hơn nữa bao gồm thị trường nội địa và quốc tế, bà Lê Thị Hằng cho biết IWCA Việt Nam có những kế hoạch dài hạn và ngắn hạn đó là tổ chức những chương trình workshop và talkshow.
“Bằng cách tổ chức những chương trình đó, IWCA mong muốn chia sẻ những giá trị bền vững, thông qua những câu chuyện liên quan đến biến đổi khí hậu, những thách thức và vai trò của người phụ nữ trong ngành công nghiệp cà phê. Qua đó, chúng ta tăng được giá trị của cà phê và mang những giá trị văn hóa vùng miền giúp cho khách hàng hiểu được giá trị bền vững của ngành cà phê Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.