Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, tình hình thị trường trên địa bàn vẫn giữ ổn định, không có biến động bất thường về giá, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra.
Tuy nhiên, giá các mặt hàng rau có tăng, giá các mặt hàng thiết yếu lương thực thực phẩm, gạo, mỳ tôm, sữa … xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm công nghệ vẫn giữ ổn định.
Trước tình hình trên, Cục QLTT Nghệ An đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý xảy ra trên địa bàn.
Tương tự, tại tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lũ, hoạt động kinh doanh trên địa bàn vẫn có phần hạn chế; giá cả các mặt hàng đều giữ ở mức ổn định; không xảy ra tình trạng khan hiếm đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, các mặt hàng lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Các nhà phân phối, đại lý đã khẩn trương vận chuyển các loại hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu đến để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh và chợ dân sinh đã đi vào hoạt động bình thường, người dân đã quay lại ổn định cuộc sống. Riêng địa bàn xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, do ảnh hưởng của hai ngày mưa liên tiếp, một số tuyến đường bị ngập nhẹ.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và nắm bắt tình hình, trên địa bàn toàn tỉnh chưa thấy có dấu hiệu hàng hóa bị khan hiếm hoặc hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm công nghệ, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm cấp đông, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai và các loại hàng hóa khác trong cùng nhóm.
Các mặt hàng phục vụ sữa chữa công trình xây dựng, sữa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị, đồ gia dụng và các loại thuốc phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt, trang thiết bị y tế thông dụng phục vụ sơ cứu như dầu gió, dầu phật linh, thuốc trị cảm cúm, thuốc trị đau bụng,... đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả ổn định.
Đối với các mặt hàng rau củ quả giá không thay đổi so với hôm qua, riêng một số loại rau như: Rau khoai lang, rau mồng tơi, rau cải, rau muống có ít hàng, các sạp chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ, giá cả cao hơn trước khi mưa lụt.
Tại tỉnh Quảng Trị, các chợ, siêu thị, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nguồn rau xanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do bị ảnh hưởng của ngập lụt, chủ yếu là rau, củ, quả nhập từ ĐăkLăk, Đà Lạt (bắp cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang...). Giá cả mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… nhìn chung vẫn ổn định so với ngày 30/10/2020.
Tại Thành phố Đà Nẵng, các đơn vị kinh doanh các mặt hàng trên địa bàn tỉnh đều chấp hành đúng việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Giá cả các mặt hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định; mặt hàng lương thực thực phẩm chỉ dao động nhẹ, mặt hàng vật liệu xây dựng không biến động về giá so với thời điểm trước và sau khi xảy ra bão. Công tác kiểm tra kiểm soát vẫn được các lực lượng trực thuộc duy trì thường xuyên, liên tục. Trong quá trình kiểm tra kiểm soát không phát sinh vụ việc vi phạm hành chính
Lượng hàng hóa dự trữ trên địa bàn hiện nay: 26.284 thùng mỳ ăn liền; 12.653 thùng lương khô; 83 tấn gạo các loại, 14.832 thùng nước đóng chai và 349 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác khác; 12.600 m3 xăng các loại, 17.000 m3 dầu diesel.
Các chợ, cửa hàng, quầy hàng cơ bản đã mở cửa, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố nhộn nhịp hơn so với ngày hôm qua. Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ thời điểm bão số 6 đến nay không phát hiện vi phạm. Giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm chỉ dao động nhẹ.
Theo thống kê của lực lượng QLTT, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tình hình thị trường trong ngày trên địa bàn tỉnh: giá cả mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định, sức mua giảm, dần ổn định và không biến động so với 2 ngày đầu tiên sau bão.
Thị trường máy phát điện vẫn còn nhộn nhịp ở một số địa bàn xa trung tâm vẫn chưa có điện và nước.
Thị trường xăng dầu và ga vẫn ổn định. Riêng giá rau, củ, hải sản, thịt bò vẫn giữ ở mức cao và giá của nhóm mặt hàng lương thực đóng gói sẵn, đồ điện gia dụng vẫn ổn định.
Tại tỉnh Bình Định, lực lượng QLTT tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh bình ổn giá hàng hóa, đảm bảo không xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai để tăng giá, thu lợi bất chính đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm và thuốc phòng chữa bệnh; không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý.
Tại Phú Yên, tình hình giá cả mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, mặt hàng phục vụ công trình xây dựng giữ ổn định, không biến động, không tăng giá, hàng hóa ổn định đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 31/10/2020, tình hình thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tiếp tục ổn định; nguồn cung tại các cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát nên tình hình tương đối ổn định.
Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum: trong ngày 31/10 chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán. Hiện tại thời tiết Kon Tum đang nắng gắt nên ko ảnh hưởng gì; Gia Lai: thời điểm hiện tại, chưa phát hiện hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, đẩy giá đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng.
Trước đó, để ứng phó, khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão số 9 gây ra Tổng cục QLTT ra công văn hỏa tốc, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng phân công lãnh đạo, công chức, người lao động trực 24/24 giờ cũng như duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Bên cạnh đó, các Cục QLTT tỉnh cần chủ động triển khai các phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản, kho hàng phương tiện tại nơi làm việc.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng đề nghị lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng.