Sáng 30/10/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tham dự và chứng kiến lễ ký kết.
Đây là một trong những hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nội dung biên bản ký kết hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Tổng cục Du lịch tập trung vào 5 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, hai bên sẽ tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thống nhất trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch.
Thứ ba, phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Đồng thời,phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên phạm vi cả nước.
Thứ tư, chú trọng xây dựng, phát triển ứng dụng dùng chung trên nền tảng số và công nghệ tiên tiến để có thể tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Cuối cùng, ưu tiên, khuyến khích ứng dụng công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới do hai bên phát triển.
Chia sẻ tại Lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Tổng cục QLTT cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như “Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia”; ứng dụng “Du lịch Việt Nam”, “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn”...
5 năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá cả về khách quốc tế (tăng 2,3 lần), khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch (tăng 2,2 lần), du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP. Cùng với đó, ngành du lịch đã và đang nỗ lực chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả..
Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng có hệ lụy rất xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Do vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, việc ký kết quy chế phối hợp hôm nay là một dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm của du khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhất trí với nhận định trên, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Linh cho biết, thời gian gần đây, vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm… vẫn diễn ra nhức nhối, đặc biệt là ở những thành phố lớn, những địa phương phát triển về du lịch.
Tại Hà Nội, một số tuyến đường trên phố cổ vẫn là những điểm nóng về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Ở Tp. Hồ Chí Minh là các chợ, các trung tâm thương mại và một số siêu thị, đặc biệt, trong một số trung tâm thương mại lớn vẫn có sự trà trộn của hàng giả, hàng nhái. Điều này làm xấu đi hình ảnh của đất nước, làm xấu hình ảnh của hàng hóa Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Hiện nay, trên cả nước, có hơn 400 Đội QLTT, luôn túc trực, xông pha, phát hiện, ngăn chặn những vụ việc vi phạm. Do vậy, với tính chất đặc thù là nhanh chóng, tức thời, khi có phản ánh của người dân về hành vi gian lận thương mại nào đó trên thị trường, ngay lập tức, lực lượng QLTT có mặt để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Tại sự kiện, Ban Tổ chức cũng giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ứng dụng đã được Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt vào ngày 10/10/2020 với ưu điểm nổi bật là các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Thông qua ứng dụng, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.