Do không được thông tin đầy đủ về cách tính NSLĐ của ILO, nên từ các số liệu trên, một số ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhận định rằng trình độ nghề nghiệp của người lao động Việt Nam thấp là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm NSLĐ và thực tiễn Việt Nam vì NSLĐ là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối chứ không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp của người lao động.
Công thức:
ILO tính năng suất lao động theo công thức sau:
NSLĐ = GDP/Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế
= Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người làm việc
= GDP/Dân số x Tỷ lệ người làm việc trong tổng dân số
Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số giữa các nước là xấp xỉ như nhau thì so sánh NSLĐ giữa các nước cũng tương đương như so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người của các nước. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa theo đầu người dưới 1.000 USD/năm thì quốc gia đó được xếp là nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008. Khi đó, GDP/người của Singapore là 39.700 USD, gấp hơn 34 lần Việt Nam; của Nhật Bản là 37.800 USD, gấp 33 lần Việt Nam; của Hàn Quốc là 20.500 USD, gấp 18 lần Việt Nam; của Malaysia là 8.400 USD, gấp 7 lần Việt Nam và của Thái Lan là 4.100 USD, gấp 3,6 lần Việt Nam. Tức là câu hỏi: “Vì sao NSLĐ của Việt Nam thấp?” hoàn toàn tương tự như câu hỏi: “Vì sao Việt Nam nghèo?”.
Nước ta còn nghèo do nhiều nguyên nhân sau:
- Xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ khoa học công nghệ, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.
- Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp:
Lấy ví dụ trong ngành Dệt May Việt Nam. Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi sản xuất ngành dệt may là: khâu sản xuất sợi - 40 triệu đồng/người/năm; khâu dệt - 30 triệu đồng/người/năm, khâu may - 5,5 triệu đồng/người/năm. Do đó, muốn tạo ra thu nhập cao hơn thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào các khâu kéo sợi và dệt vải nhưng phải xem xét suất đầu tư.
Suất đầu tư/người lao động vào các dự án kéo sợi và dệt vải lớn hơn rất nhiều so với đầu tư vào dự án may mặc. Cụ thể:
- Suất đầu tư/người lao động của một dự án sợi qui mô 21.000 cọc sợi, 4.000 tấn sợi năm là 66.900 USD/người, gấp 29 lần suất đầu tư 2.300 USD/người của một dự án may công suất 9,5 triệu sơ mi/năm;
- Suất đầu tư/người lao động của một dự án dệt từ sợi nhuộm công suất 10 triệu mét vải/năm là 68.000 USD/người, gấp hơn 29 lần suất đầu tư 2.300 USD/người của một dự án may công suất 9,5 triệu sơ mi/năm;
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt - may nói riêng cần có thời gian tích lũy vốn hàng chục năm để có thể tham gia ngày càng đầy đủ hơn vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
- Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu:
Theo kết quả tổng điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2000 - 2011, mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp vẫn chiếm bình quân gần 60% tổng số doanh nghiệp tham gia điều tra. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2%.
Tình trạng khoảng 88% doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và trung bình thấp là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng NSLĐ và thu nhập đầu người của Việt Nam còn thấp. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư để bổ sung và hiện đại hóa thiết bị công nghệ ở hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
- Nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp:
Mặc dù cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay đang từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18% GDP nhưng chiếm đến 47% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều: Thái Lan - 39%, Trung Quốc - 34%, Malaysia - 11%, Hàn Quốc - 6,5%, còn Singapore chỉ có khoảng 1% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mặc dù tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp: năm 2000 - 16%, năm 2005 - 26,2%, năm 2010 - 40%, năm 2013 ước đạt 49%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore năm 2013 là 61,5%, Hàn Quốc là 62%.
- Khoa học chậm phát triển, đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) còn thấp:
Từ năm 2001 đến năm 2011 tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ/GDP của nước ta nhìn chung xoay quanh mức 0,5% và trong 11 năm tỷ lệ đầu tư này chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%. Trong khi đó, một số nước trong khu vực gia tăng đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ: Malaysia tăng từ 0,47% lên 1,07% GDP; Trung Quốc tăng từ 0,95% lên 1,84% GDP; Hàn Quốc tăng từ 2,47% lên 4,04% GDP; Thái Lan tăng từ 0,26% lên 0,37% GDP và đang hướng đến mục tiêu đạt 1% GDP vào năm 2016.
Ngoài 5 yếu tố chính nói trên, còn nhiều yếu tố khác liên quan đến câu hỏi: Vì sao một quốc gia lại nghèo, NSLĐ thấp, như: Sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu; Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là bán nguyên liệu và xuất khẩu thô, chưa có các sản phẩm cuối cùng có thương hiệu quốc tế; Tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước còn chậm; Chính sách kinh tế vĩ mô còn bất hợp lý; Chưa khai thác đầy đủ các cơ hội của thị trường thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Lao động Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, đạt năng suất cao không?
Trong lĩnh vực công nghiệp: Tại các nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota... lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động ở các nước khác, trong khi chi phí lao động chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 ở các nước công nghiệp. Năm 2013, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu chiếc điện thoại di động và các thiết bị khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD, đóng góp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện đang sử dụng 45 nghìn lao động, trong đó chỉ có khoảng 70 người Hàn Quốc. Công ty Samsung đã quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu phát triển của mình tại Singapore và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam với khoảng 3.000 người nghiên cứu vì các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Samsung và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Người nông dân nước ta cần cù, sáng tạo, làm chủ qui trình sản xuất mới và áp dụng nhiều giống tốt, nhờ đó nền nông nghiệp nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới là: gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1990 mới là 1,1 tỷ USD, đến năm 2013 là 19,8 tỷ USD.
![](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/Uploaded/Share/2014/11/21/Bieu-do.jpg)
Cần làm gì để nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người dân?
Một cách tổng quát, năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp NSLĐ của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng NSLĐ của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp - xây dựng và Dịch vụ.
Theo tính toán của chúng tôi, năm 2014, NSLĐ khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn NSLĐ khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và NSLĐ của người nông dân.
Trong nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả, NSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi xin nhấn mạnh một nhóm giải pháp như sau:
Phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từ: “Hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân - Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là “Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất - Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao - Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”...