Giá trị từ thương hiệu
Tính đến hết năm 2014, Trung tâm đã làm các thủ tục hỗ trợ cho 14
sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Những
sản phẩm này đang trở thành thương hiệu có uy tín và chiếm được lòng tin của
người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Năm 2015, Chương
trình khuyến công Quốc gia tiếp tục triển khai hỗ trợ cho 10 sản phẩm đăng ký, xây dựng thương hiệu
với mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 50% chi phí và không quá 35 triệu đồng/thương
hiệu. Đặc biệt, có gần 20 đơn vị sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ không
đúng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công cũng đã thông qua Trung tâm Khuyến
công và Tư vấn phát triển công nghiệp để xin hỗ trợ tư vấn trong lĩnh vực và
đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ (Tư vấn miễn phí, còn chi phí tra cứu,
đăng ký thì đơn vị tự bỏ ra).
Thực tế, Sơn La đã có nhiều cơ sở trở thành thương hiệu có uy tín trên địa bàn. Hầu hết các sản phẩm sau một năm có thương hiệu, doanh số đều tăng trên 15% so với trước đó, tiêu biểu như: nhãn hiệu "Hồng Nhung" + hình sản phẩm Bánh Kẹo từ sữa bò tại Mộc Châu; "Thiên Vũ" + hình sản phẩm từ quả chuối Yên Châu - Rượu chuối Yên Châu; "BASACO" + hình gắn cho các sản phẩm từ quả Sơn Trà, Rượu Táo Mèo, Chè Mộc Sương; Chè Vân Sơn; Chè xanh - Công ty Chè Mộc Châu;... Đặc biệt là với thương hiệu "Hồng Nhung", chị Nhàn chủ cơ sở cho biết, doanh số đã tăng gấp 3 đến 4 lần. Chị tâm sự: Bây giờ chị mới hình dung ra và hiểu hơn về quyền sở hữu, đăng ký bảo hộ và xây dựng thương hiệu là cần thiết, nhất là trong thời kỳ kinh doanh, sản xuất có nhiều cạnh tranh trong cùng ngành hàng. Trước đây, chị chỉ bán cho khách hàng ở Mộc Châu, nhưng bây giờ đóng gói chuyển bán theo đơn đặt hàng của khách hàng khắp nơi trên cả nước, nhất là khách đưa về xuôi, đã yêu cầu dán nhãn "Hồng Nhung" lên bao bì sản phẩm.
Dù đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực hỗ trợ đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhưng thực tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký, hiệu quả mang lại từ việc xây dựng thương hiệu trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Còn nhiều sản phẩm có chất lượng, uy tín, số lượng lớn, thị trường lớn trong nước, cũng như xuất khẩu, nhưng vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu trong nước và thị trường nước nhập khẩu, như các sản phẩm chè, cà phê, hoa, quả, nông sản, thực phẩm, dược liệu... trong khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài lại gắn nhãn mác của chủ sở hữu nước ngoài. Điều này khiến giá trị sản phẩm mà người dân Sơn La đáng được hưởng đã bị người nơi khác, nước khác hưởng thay.
Như vậy, vấn đề thương hiệu của các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La đang đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Cần nỗ lực xây dựng thương hiệu nhiều hơn
Nhận thức được điều này, tỉnh Sơn La cũng đã giao cho các Sở, ban, ngành lựa chọn sản phẩm, vùng địa lý, nơi sản xuất để quy hoạch, xây dựng chiến lược thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu có uy tín và có những cơ chế, chính sách phù hợp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho từng sản phẩm. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, từng bước khai thác, phát huy những lợi thế sản phẩm, vùng miền, gây dựng uy tín và thương hiệu hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La, đưa "Thương hiệu Sơn La" vươn ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo tâm sự của một số viên chức ngành Công Thương Sơn La: "Khi chúng tôi
đến trực tiếp tại một số đơn vị, gặp chủ sơ sở, lãnh đạo đơn vị đề cập đến việc
đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu, xây dựng phát triển thương hiệu cho sản phẩm
hàng hóa của đơn vị đang sản xuất và cung ứng trên thị trường (thương hiệu thể
hiện qua thông điệp hình ảnh, thông điệp ngôn ngữ, định hướng sáng tạo tên,
logo, hệ thống nhận diện…), thì nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến, băn khoăn
về lĩnh vực này. Cả những câu như: "Ôi dào, sản phẩm chúng tôi sản ra đến
đâu bán hết đến đó, cần gì phải xây dựng uy tín, thương hiệu"; "Hàng
chúng tôi bán quanh quanh trong tỉnh mà, cần gì bảo hộ"; "Sản phẩm có
nhãn, mác, bao bì đẹp làm gì vì khi về nơi khác họ xé đi đóng gói lại dãn nhãn
của họ, họ bán, mình ký hợp đồng bán hết cho họ rồi, giá chấp nhận được, cần gì
phải lo thị trường và thương hiệu", "Có nhãn được bảo hộ, có thương
hiệu, nhưng khi bị cơ sở khác làm nhái, lấy nhãn của mình chẳng biết đến đâu mà
kiện"; Có một vài chủ doanh nghiệp khi hỏi đến thì nói: "Chúng tôi đã đăng
ký bảo hộ lâu rồi đây này", rồi ông chủ đưa ra một tập giấy đăng mã số, mã vạch
sản phẩm, bảng chỉ dẫn, hướng dẫn giới thiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng sản
phẩm; thậm chí nhãn hiệu của đơn vị lấy luôn địa danh, tên đơn vị hành chính
như xã, huyện, tỉnh đặt tên nhãn sản phẩm của mình... Có một số đơn vị mới chỉ qua
tư vấn, hoặc nộp đơn đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ thì đã coi như nhãn
hàng hóa và logo đơn vị được bảo hộ.
Nhìn chung, vấn đề nhận thức về xây dựng thương hiệu ở một số cơ sở sản xuất hàng hóa còn chưa đúng. Chúng tôi đã tiếp cận, phân tích cụ thể, đồng thời giới thiệu các địa chỉ Cửa sổ Khuyến công Sơn La trên Website Báo điện tử Sơn La hoặc Website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam... để tìm hiểu kỹ hơn. Đây cũng cho thấy lĩnh vực đăng ký sở hữu trí tuệ cần được thông tin, tuyên truyền nhiều hơn nữa.
Những việc mà Trung tâm KC Sơn La đang làm và đạt được chỉ là một nhiệm vụ nhỏ trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Trong 3 năm thực hiện, chủ yếu nhận được nguồn hỗ trợ khuyến công quốc gia cho xây dựng, phát triển thương hiệu cho nhóm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với nhãn hiệu thông thường, đăng ký trong nước. Đối với nhãn hiệu khác, nhóm sản phẩm khác không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công của Nhà nước, rất cần Tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX, DN đăng ký sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm và quan tâm hỗ trợ cho sản phẩm Sơn La đăng ký sở hữu nhãn hiệu với nước nhập khẩu./.