Khuyến công tỉnh Bình Dương: là cầu nối quan trọng giúp các cơ sở CNNT hoạt động có hiệu quả.

Công tác khuyến công là một yếu tố quan trọng và là cánh tay nối dài để giúp Bình Dương đảm bảo triển khai thực hiện các đề án khuyến công thành công và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng và xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hoạt động khuyến công là cầu nối quan trọng giúp các cơ sở CNNT

Các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) là khu vực có vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp và ngân sách của tỉnh. Các cơ sở có vốn đầu tư không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả khu vực thành thị và nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực (chiếm hơn 90% trong tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh).

Đây là khu vực khai thác các nguồn lực, tiềm năng, tạo cơ hội cho đông đảo dân cư có thể tham gia vào đầu tư và tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, giải quyết việc làm cho đông đảo lao động phổ thông. Để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nhà, bên cạnh việc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chủ lực, tỉnh cũng đã ý thức được vai trò và đóng góp không nhỏ của CNNT, trong đó kinh phí khuyến công của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tác động, kích thích các cơ sở CNNT, doanh nghiệp vừa và nhỏ kể cả siêu nhỏ có thêm nguồn lực để đầu tư vào phát triển sản xuất, qua đó góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và nền kinh tế tỉnh nhà nói chung.

hoạt động khuyến công
Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” tại Công ty TNHH SX & TM Đức Kim Tinh

Do vậy, việc củng cố và đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến công tại tỉnh Bình Dương là một việc làm cần thiết để một mặt nhằm trợ giúp thiết thực cho các cơ sở, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh (thông qua việc cải thiện chất lượng các yếu tố đầu vào như: đào tạo lao động, nâng cao trình độ quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, tiếp cận các chính sách ưu đãi...), mặt khác nhằm thể hiện vai trò của nhà nước trong việc khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần kinh tế tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất.

Nhận thức để tạo ra sự phát triển tương đối đồng đều giữa các khu vực, các thành phần kinh tế, thông qua chính sách khuyến công của Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã hướng sự quan tâm tới việc hỗ trợ các cơ sở CNNT nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng bộ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, giải quyết vấn đề lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng và các đối tượng dân cư đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh nhà.

tỉnh Bình Dương
Nghiệm thu dây chuyền “Hỗ trợ ứng dụng hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến muối tiêu”

Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 40/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Quyết định số 1811/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2025 để hoàn thiện các văn bản quy phạm về khuyến công ở địa phương về công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến công trên địa bàn. Theo đó hàng năm ngân sách Tỉnh bố trí từ 7 đến 10 tỷ đồng thực hiện các nội dung của hoạt động khuyến công.

khuyến công
tỉnh Bình Dương còn tham gia triển lãm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022

Qua các năm hoạt động công tác khuyến công đã thể hiện vai trò tích cực là cầu nối quan trọng giúp các cơ sở CNNT hoạt động sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả. Các cơ sở CNNT được đầu tư trang bị thêm nhiều máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại tham gia vào quá trình sản xuất góp phần hình thành nên các sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng cả về chất lẫn về lượng, gia tăng về thị trường tiêu thụ không chỉ trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, còn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đối với những mặt hàng là thế mạnh của tỉnh như các mặt hàng về chế biến gỗ, may công nghiệp, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như sơn mài, đan mây tre lá… Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và hoạt động có hiệu quả mà doanh thu các đơn vị thụ hưởng ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết lao động tại địa phương.

Có thể thấy, phát triển công nghiệp nói chung đòi hỏi phải đáp ứng đồng bộ nhiều yếu tố, từ công tác định hướng phát triển, đến đầu tư của Nhà nước, đầu tư của xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư tập trung phát triển qua từng thời kỳ, từng giai đoạn từng vùng miền, từng địa phương. Công tác khuyến công là một chức năng, bộ phận đồng hành trong suốt quá trình đó.

Giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới

Để tỉnh Bình Dương là địa phương đi đầu trong thắng lợi xây dưng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo hướng hiện đại trong đó có sự góp sức của công tác khuyến công. Tuy nhiên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng nhận thức được rằng những kết quả trên là chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của tỉnh, trong thời gian tới cần quan tâm một số nội dung mang tính giải pháp như sau:

phát triển hoạt động khuyến công
Các đại biểu nhận danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam

Hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của toàn quốc, của vùng và của từng địa phương mang tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa.

Các địa phương trong khu vực cần xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh từng vùng vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương. Tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Ngoài ra, hoạt động khuyến công phải góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, về thị trường và lao động tại mỗi vùng, mỗi địa phương để phát triển CNNT. Phấn đấu mỗi vùng, mỗi địa phương đều có những ngành, những sản phẩm tiêu biểu, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tập hợp liên kết các ngành hàng mà đầu mối là liên kết các hiệp hội của địa phương lại với nhau.

a
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm để nắm bắt nhu cầu của các cơ sở CNNT, phát hiện những tiềm năng đối tác phát triển theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, khả năng cung ứng sản phẩm tạo thành một chuỗi liên kết căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương trong khu vực. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.

Hoàng Dương