Độc quyền Nhà nước... thành độc quyền doanh nghiệp.
Song, một trong những lĩnh vực ít có thay đổi nhất ở Việt Nam chính là tình trạng độc quyền (monopoly) hay độc quyền của một nhóm ít các doanh nghiệp (oligopoly) cùng chia sẻ lợi ích với nhau và dẫn đến cửa quyền, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn, quyền lực độc quyền về kinh tế đã không được xây đắp và hình thành từ quá trình cạnh tranh, tích tụ, lớn dần lên và được người tiêu dùng chấp nhận do có hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh khác như trong một nền kinh tế thị trường bình thường khác. Là một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc quyền kinh doanh ở Việt Nam được quyết định bởi biện pháp hành chính của Nhà nước, được trao cho các tổng công ty nhà nước và các tổng công ty đó thực hiện kinh doanh độc quyền, bất chấp năng lực yếu kém về tài chính và công nghệ, chỉ nhờ vào các rào cản hành chính không cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào khác (liên doanh nước ngoài, tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước khác ) được cùng kinh doanh, hạn chế thương quyền thông qua hệ thống giấy phép kinh doanh , bởi cơ chế định giá ( như giá điện, giá cước viễn thông, giá vé máy bay ) và các hành vi của các quan chức nhà nước các cấp ( trong xét chọn thầu, cấp quota ) v.v...
Về mặt lý thuyết, độc quyền như vậy, có thể đem lại lợi thế về quy mô sản xuất lớn, về hiệu quả đầu tư tập trung, về phát huy lực lượng khoa học, công nghệ v.v... Không hoàn toàn phủ nhận rằng, có thể đã có một số tác động tích cực nhất định nào đó ở một thời điểm có giới hạn, song hiện nay, toàn dân đều đã nhận thức sâu sắc về các hạn chế và tác hại của độc quyền đối với toàn bộ nền kinh tế. Thử hỏi, trong môi trường cạnh tranh, liệu Vinaphone có thể tự cho phép có sự cố nghiêm trọng như vừa qua hay không? Giá cả quá cao với chất lượng thấp và rất không ổn định đã hạn chế mạnh mẽ năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế quốc dân.
Trong khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá IX) đã quyết định “Không biến độc quyên nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp” thì các cơ quan nhà nước lại bảo hộ, bao che về mặt hành chính các hành vi độc quyền của doanh nghiệp, như có những thông tư của bộ này yêu cầu các doanh nghiệp phải tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp thuộc bộ hay giao cho tổng công ty, xây dựng quy hoạch phát triển ngành và mặc nhiên loại trừ mọi đối thủ cạnh tranh trong thời gian 10 năm sắp tới v.v... Các giả định cho rằng, các tổng công ty độc quyền sẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao để điều tiết thị trường, giá cả hay vì mục tiêu xã hội như dự trữ và xuất khẩu gạo, cà phê, kinh doanh sách giáo khoa, vận chuyển và kinh doanh muối iốt, chất đốt v.v. ở các vùng sâu, vùng xa đã không mang lại hiêu quả mong muốn. doanh nghiệp độc quyền đã lợi dụng vị trí đó để mưu cầu lợi ích siêu ngạch, không hề do năng suất lao động mang lại. Việc kiểm soát giá do Ban Vật giá của Chính phủ đảm trách, nay thuộc về Bộ Tài Chính, đã không ngăn cản được bất kỳ yêu cầu tăng giá nào, dẫu yêu cầu đó có phi lý đến đâu chăng nữa! Việc ngừng tăng giá được Thủ tướng Chính phủ quyết định, luôn là kết quả của công luận và tiếng kêu cứu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, là khách hàng và nạn nhân của các doanh nghiệp độc quyền đó. Trong khi, các nền kinh tế thị trường khác chế định các hoạt động kinh doanh quan trọng độc quyền bằng những Luật chuyên ngành (như Luật Viễn thông , Luật về vận tải hàng không dân dụng, Luật về điện), hoạt động kinh doanh của các sản phẩm dịch vụ đó của các tổng công ty ở Việt Nam chưa được chế định bằng luật, mà được quản lý bởi hệ thống pháp quy (cao nhất là nghị định); do chính cơ quan độc quyền soạn thảo, trong đó, chứa đựng không ít những đặc quyền được hành chính hoá. Hiện nay, Pháp lệnh về Bưu Chính Viễn Thông đã được ban hành, Luật Điện đang được soạn thảo, song do chưa có Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, nên các văn bản pháp quy đó còn có nhiều vấn đề phải xem xét. Nhà nước đầu tư trực tiếp từ ngân sách hay bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn trong nước hay nước ngoài, trực tiếp cho phép liên doanh với các đối tác nước ngoài, trực tiếp xử lý các vướng mắc trong kinh doanh, hoãn nợ, giãn nợ, khoanh nợ, giảm hay bù lãi suất khi cần thiết. Các tổng công ty được ưu ái, cưng chiều; đặc biệt, có quan hệ thân cận, các đề xuất đều được ưu tiên và trực tiếp giải quyết với mức ưu tiên cao nhất. Những lĩnh vực độc quyền tuyệt đối như vậy bao gồm:
- Hàng không (Pacific Airline là một công ty cổ phần do Hàng không Việt Nam chi phối và quá bé nhỏ nên không có vị trí của một đối tác cạnh tranh).
- Bưu Chính Viễn thông (gần đây, một số doanh nghiệp quân đội được cấp phép tham gia kinh doanh một số dịch vụ nhánh, dịch vụ đường trục chính hoàn toàn do Tổng Công ty Bưu Chính Viễn thông độc quyền quyết định dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính Viễn Thông).
- Vận tải biển quốc tế (các đội tàu của doanh nghiệp tỉnh còn quá nhỏ bé và chỉ đảm nhận những thương vụ gần).
- Đường sắt
- Điện (gần đây, đã cho phép mua điện của một số nhà máy điện nước ngoài theo giá của EVN, song khâu truyển tải, phân phối chỉ do EVN đảm nhận).
- Kinh doanh chứng khoán.
- Xây dựng và khai thác bến cảng, dịch vụ cảng, bến xe khách, cầu đường v.v...
- Xuất, nhập khẩu báo chí, sách giáo khoa.
- In ấn và sản xuất phim truyền hình.
- Thuốc lá (Sản xuất và lưu thông phân phối).
Có thể dễ dàng nhận thấy, mức độ và phạm vi độc quyền kinh doanh ở Việt Nam rộng hơn các “độc quyền tự nhiên” (natural monopolies) ở các nước khác nhiều.
Những lĩnh vực độc quyền nhóm (oligopoly ) bao gồm:
- Xăng dầu; Bảo hiểm; Ngân hàng thương mại; Xi măng; Sắt thép; Mía đường; Xuất, nhập khẩu cà phê; Xuất, nhập khẩu gạo; Du lịch (trừ kinh doanh khách sạn).v.v...
Do các cơ quan địa phương quyết định hành chính để bảo vệ doanh nghiệp Nhà nước, ở không ít tỉnh đã xuất hiện tình trạng “độc quyền địa phương”, “độc quyền cục bộ” như đến tỉnh A chỉ được dùng bia của doanh nghiệp Nhà nước tỉnh đó, xi măng tỉnh đó sản xuất hay chỉ có công ty lương thực của tỉnh mới được độc quyền kinh doanh thu mua gạo.v.v... dẫn đến những biến dạng nghiêm trọng trên thị trường.
Chỉ có một số ít sản phẩm, dịch vụ như điện tử dân dụng, may mặc hay dịch vụ ăn uống, bán lẻ tạp hoá là các doanh nghiệp nhà nước không còn được luật pháp hạn chế các doanh nghiệp khác tham gia kinh doanh và chiếm thị phần khiêm tốn hơn. Trên các lĩnh vực này, cạnh tranh diễn ra có thực chất hơn, người tiêu dùng được quyền lựa chọn, giá cả phải chăng hơn, chất lượng được cải thiện. Hành vi kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên các lĩnh vực này thay đổi hẳn, có những tiến bộ quan trọng như giảm bớt đặc quyền, cửa quyền, lợi dụng, như kinh doanh gạo, thịt, ăn uống ở đô thị được người tiêu dùng ghi nhận và hoan nghênh.
Các sản phẩm và dịch vụ độc quyền được bảo hộ rất cao đối với cạnh tranh nước ngoài. Hàng không nội địa, dịch vụ điện thoại hữu tuyến và viễn thông, bến cảng, v.v. Không có cạnh tranh. Hệ số bảo hộ có hiệu lực (ERP: Efficient Rate of Protection) rất cao đối với nhiều ngành công nghiệp chế biến như: đồ uống không cồn 126%, đường 125%, xi măng 69%, xe máy 144% v.v... Mức bảo hộ này chưa tính đến các yếu tố bảo hộ phi thuế quan. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có chế độ bảo hộ thuộc lại cao nhất trên thế giới hiện nay..
Hệ quả và những vấn đề cần giải quyết
Thực trạng trên đây dẫn đến hệ quả ngoài kỳ vọng tốt lành của Nhà nước gửi gắm nơi các doanh nghiệp độc quyền, đó là môi trường kinh doanh ở Việt Nam trở nên đắt đỏ và kém hấp dẫn so với khu vực, đã được nêu lên nhiều lần trong đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, tổ chức JETRO của Nhật Bản đã công bố một bảng so sánh cho thấy, cước phí điện thoại quốc tế, Internet, bốc xếp container v.v... của Việt Nam đắt hơn hẳn so với các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. (Giá vé máy bay Hà Nội- Quảng Châu bằng giá vé Bangkok-Quảng Châu cộng chi phí 1 tuần ở Bangkok, cước vận tải container 40 feet từ Việt Nam đi Nhật Bản cao gấp 3 từ Singapore đi Nhật, phí vận hành, bốc xếp tàu 10.000 t ở cảng Sài Gòn 40.000 USD so với 20.000 USD ở Bangkok v.v...). Các chi phí này làm tăng giá thành sản phẩm, góp phần giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của cả những sản phẩm dịch vụ về tiềm năng có năng lực cạnh tranh như may mặc, da giày, du lịch v.v...
Chất lượng dịch vụ cũng thấp so với khu vực. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương năm 2000, 56% khách hàng cho biết, họ bị cắt điện không được báo trước và điện áp thiếu ổn định, 90% khách hàng bị gián đoạn liên lạc điện thoại không dưới 3 lần trong 3 tháng gần nhất, 45% khách hàng mất hơn 10 ngày để lắp đặt điện thoại. Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới, đa số doanh nghiệp phải đút lót mới được lắp điện, nước, điện thoại v.v... Các hiện tượng cửa quyền trong dịch vụ hàng không, bến cảng v.v... đã được báo chí phản ánh trong nhiều năm qua, nhưng những cải thiện chỉ diễn ra rất hạn chế và trong thời gian ngắn.
Mặt bằng giá của các sản phẩm độc quyền hay độc quyền nhóm, được bảo hộ cao như xi măng, đường mía, ô tô, xe máy v.v... đều cao hơn mức trung bình khu vực, trong khi thu nhập của người Việt Nam thấp hơn các nước đó, làm thiệt thòi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng nông sản không được bảo hộ, phụ thuộc giá thị trường thế giới lại thuộc loại rẻ nhất trong khu vực, làm giảm sút thu nhập thực tế của nông dân.
Do được độc quyền, cơ cấu giá khó kiểm tra, nên dẫn đến những hiện tượng trì trệ trong kinh doanh. Trong ngành Bưu Chính Viễn thông Việt Nam có 50 người làm việc trên 1000 đường điện thoại chính, trong khi ở Thái Lan chỉ số này là 7,3 người. Mức thất thoát điện trong truyển tải và phân phối ở Việt Nam hiện tại là 12,37%, ở Thái Lan là 6-9%. v.v.
Trong khi nền kinh tế chịu chi phí cao bất thường thì thu nhập thực tế của nhân viên trong các ngành Viễn thông, Điện, Hàng không đều rất cao, cộng thêm với mức độ phúc lợi đặc biệt của riêng ngành như có bệnh viện riêng, mỗi tỉnh có nhà khách riêng của ngành v.v... Hai người cùng tốt nghiệp đại học, nếu 1 người vào được ngành độc quyền làm việc có thể có thu nhập cao gấp 2-4 lần người làm ở cơ quan hành chính nhà nước.
Trong xã hội đã hình thành những ốc đảo với những lợi ích nhóm hay cục bộ rất mạnh, hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc phân phối Xã hội Chủ nghĩa bình đẳng vẫn được giảng dạy trong các sách giáo khoa. Rõ ràng là, tình trạng độc quyền đã dẫn đến những hệ quả kinh tế xã hội rất không bình thường, cần được xem xét và xử lý nghiêm túc.
Trong khi các biện pháp mở rộng diện doanh nghiệp cùng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ này, thông qua cạnh tranh mà xoá bỏ độc quyền, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiện đại hoá công nghệ như đã diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế thị trường (đối với hàng không, viễn thông v.v...) thì lại còn quá xa với đối với thực tế nước ta hiện nay. Vì lợi ích chung của nền kinh té quốc dân như nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh, cần cấp bách ban hành các văn bản pháp quy ở tầm pháp lệnh hay luật, chế định các quy tắc hành vi kinh doanh của các ngành độc quyền như các nước trên thế giới đã làm và mang lại hiệu quả như Luật về Viễn thông của Đức, Singapore, Luật về Hàng không của New Zealand v.v... Luật cần chế định hành vi không phân biệt đối xử đối với khách hàng, các nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ và khách hàng, chất lượng của dịch vụ (sửa điện thoại trong mấy giờ, nối lại cung ứng điện trong bao lâu v.v...). Việc để các doanh nghiệp độc quyền lớn và quan trọng như vậy hoạt động thiếu khung luật pháp và sự giám sát cần thiết, rõ ràng là một thiếu sót.
Việc kiểm soát giá cần được nâng cao hiệu lực so với hoạt động của Ban Vật Giá trong Bộ Tài chính hiện nay, cần thông qua một hội đồng tư vấn có sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, của khách hàng và người tiêu dùng, có sự giám sát của Uỷ ban Kinh tế và Ngân Sách của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan báo chí. Kết quả chắc chắn sẽ là loại trừ và giảm bớt được nhiều chi phí không đáng có và các tổng công ty đó sẽ lành mạnh hơn về nhiều mặt.
Thực hiện kiểm toán bắt buộc, định kỳ đối với tất cả các doanh nghiệp độc quyền theo thông lệ quốc tế, vì là công ty độc quyền, báo cáo kiểm toán cần được đệ trình các Uỷ ban tương ứng của Quốc hội xem xét và công bố cho công luận biết, để rút ra những kết luận thích đáng.
Trong một tương lai không xa, khi thực hiện các cam kết hội nhập theo AFTA, Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và WTO, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ nay còn độc quyền sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế gay gắt. Thay vì cố gắng níu kéo sự ưu đãi và bảo hộ trên vị trí độc quyền càng lâu càng khoẻ như hiện nay, các tổng công ty độc quyền nên sớm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh đó để có thể trụ vững và nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế. Đó là đòi hỏi và mong ước của người kinh doanh và người dân.
Kiểm soát độc quyền trong kinh doanh ở Việt Nam - một vấn đề cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
TCCT
Trong quá trình chuyển đổi hơn 15 năm qua sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế nước ta đã có nhiều thành tựu và tiến bộ trên hầu hết các