Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Sẽ sớm ban hành “Đề án Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường TP.HCM đến năm 2015”
TP.HCM hiện có 7,12 triệu người và khoảng 2 triệu khách vãng lai, dự báo đến năm 2010, dân số TP sẽ đạt khoảng 9,26 triệu người và đến năm 2015 có quy mô khoảng 9,99 triệu người. Vì vậy, việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu là một việc làm cần thiết. Do đó, trong tháng 3 này, UBNDTP sẽ phê duyệt “Đề án Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường TP HCM đến năm 2015” để ban hành.
Để thực hiện Đề án này, TP sẽ xây dựng lực lượng dự trữ từ các doanh nghiệp chủ lực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có khả năng điều tiết dẫn dắt thị trường về giá cả, số lượng, chất lượng; xây dựng cơ chế điều hành nguồn lực dự trữ, đảm bảo sự chủ động của các doanh nghiệp tham gia bình ổn, xây dựng cơ chế phối hợp với TW dưới góc độ quản lý SX-KD các mặt hành thiết yếu (do bộ, ngành TW quản lý) đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; thực hiện tái bố trí các cơ sở kinh tế - xã hội, ưu tiên những vị trí thuận lợi cho phát triển các siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ công tác quy hoạch, cơ chế chính sách để các doanh nghiệp nhanh chóng thiết lập mạng lưới phân phối tại các vị trí trọng yếu của TP theo mục tiêu bình ổn quanh năm; phát triển mô hình phân phối theo hướng tiên tiến hiện đại như sàn giao dịch nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa; xây dựng hệ thống chợ truyền thống ngày càng văn minh nhằm giảm tối đa chi phí trong quá trình lưu thông hàng hóa...
Ông Vòng A Lộc - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Công Thương TP HCM: “Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để góp phần bình ổn giá”
Để bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2010, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBNDTP quyết định các danh mục hàng thiết yếu cần bình ổn, xây dựng tiêu chí cụ thể để xét chọn các doanh nghiệp tham gia bình ổn quanh năm; hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký tham gia bình ổn, thẩm định phương án tạo nguồn hàng của các doanh nghiệp và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thành lập tổ dự báo cung cầu, thị trường các mặt hàng thiết yếu của TP; triển khai quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên TPHCM; chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện tăng cường phát hiện xử lý nghiêm, kịp thời các truờng hợp đầu cơ găm hàng tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt về thị trường giá cả, hàng hóa, dịch vụ, hành vi về gian lận đo lường, đóng gói...; cùng với ban quản lý các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà phân phối có lượng hàng hóa lớn trên thị trường TP, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Đặc biệt là, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bình ổn thị trường các mặt hành thiết yếu của TP, nhằm hạn chế việc thông tin không chính xác của người dân, qua đó kịp thời thông tin, trấn an dư luận khi có biến động thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng:
“Đây chính là lúc DN cần bàn tay Nhà nước trong việc điều hành cung - cầu thị trường”
Tăng giá điện, than là tất yếu rồi, nhưng việc tăng giá như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Tăng giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào đồng nghĩa với việc tăng giá thành một đơn vị sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thép như chúng tôi vừa trải qua những sóng gió mà cuộc suy thoái kinh tế mang lại, nay tiếp tục đối mặt với việc tăng giá hàng loạt, đây chính là lúc mà doanh nghiệp cần bàn tay của Nhà nước trong việc điều hành cung - cầu của thị trường.
Theo tính toán của chúng tôi, việc tăng giá điện, than như hiện nay thì giá thành 1 tấn thép của Công ty tăng 180 nghìn đồng. Giá bán thì tăng trong khi thị trường chưa chấp nhận ngay giá mới, vì vậy sản lượng tồn đọng kéo theo nhiều hệ luỵ như: Doanh thu giảm; lợi nhuận giảm; nợ lãi suất ngân hàng tăng... trong khi doanh nghiệp lại đang khát vốn để đầu tư. Tôi cho rằng, Nhà nước cần kích cầu tiêu thụ để ngành này tiêu thụ sản phẩm của ngành khác, ví dụ như tăng vốn đầu tư cho xây dựng để tiêu thụ sản phẩm của ngành Thép, Xi măng... như vậy mới có thể bình ổn giá được.