Tóm tắt:

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, kiểm toán tại Việt Nam đã có những bước chuyển lớn và ngày càng khẳng định được vai trò. Mặc dù còn chưa đáp ứng được một cách trọn vẹn yêu cầu về kiểm toán minh bạch Báo cáo tài chính của Công ty niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng thực tế, kiểm toán Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và khẳng định chất lượng, tạo niềm tin nơi người sử dụng báo cáo. Dẫu biết rằng hoạt động giám sát, kiểm tra công tác kiểm toán Báo cáo tài chính còn hạn chế nhưng những nỗ lực của các cơ quan thẩm quyền cũng rất đáng ghi nhận.

Từ khoá: Công ty niêm yết, báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán, công ty kiểm toán…

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn non trẻ và còn nhiều biến động, hoạt động trên TTCK còn nhiều phức tạp, đa dạng nên việc quản lý hoạt động này gặp không ít khó khăn. Với việc các công ty niêm yết (CTNY) ngày càng gia tăng thì việc giám sát sức khoẻ của những công ty này thông qua Báo cáo tài chính (BCTC) lại ngày càng trở nên cần thiết hơn. CTNY có những đặc điểm và yêu cầu đối với BCTC riêng biệt như:

- Số lượng và trình độ của những người quan tâm đến thông tin trên BCTC của các CTNY rất đa dạng và phức tạp dẫn đến độ tin cậy BCTC của các CTNY rất cao;

- Do CTNY tham gia nhiều các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh khác nhau nên các thông tin trình bày trên BCTC cũng như kết cấu các bộ phận đặc thù trên BCTC của các CTNY khác nhau theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đó;

- CTNY là công ty cổ phần niêm yết chứng khoán trên TTCK dẫn đến số lượng cổ đông của công ty rất lớn đồng thời biến động liên tục. Vì vậy, việc theo dõi và phản ánh các nghiệp vụ chi tiết về VCSH theo đối tượng cụ thể trên sổ sách kế toán rất khó khăn;

- Một số chỉ tiêu tài chính chỉ xuất hiện trên sổ sách kế toán và BCTC các công ty cổ phần nói chung và CTNY nói riêng như: Trên bảng cân đối kế toán: chỉ tiêu “thặng dư vốn cổ phần”, chỉ tiêu “cổ phiếu quỹ”; Trên Báo cáo kết quả kinh doanh: chỉ tiêu “lãi cơ bản trên một cổ phiếu”; Trên thuyết minh BCTC: một số nội dung đặc thù trên báo cáo tăng giảm vốn chủ sở hữu…;

- Các CTNY có rất nhiều cổ đông và thay đổi liên tục nên sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành công ty (ví dụ khi có thay đổi cổ đông chiến lược hoặc cổ đông lớn…), đồng thời việc phân phối lợi nhuận vì vậy cũng phức tạp theo.

- Các CTNY thường có qui mô lớn và thường hoạt động đa ngành nghề, dịch vụ; tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro nhất là lĩnh vực đầu tư tài chính. Bởi vậy, trong các CTNY luôn tồn tại nhiều mối quan hệ tài chính phức tạp nên việc theo dõi và xác định các bên liên quan hoặc khi hợp nhất BCTC rất khó khăn;

- Do người quan tâm đến thông tin trên BCTC của các CTNY có số lượng lớn và tính đa dạng nên BCTC phải đảm bảo các quy định của TTCK (thông tin BCTC phải công bố theo từng quý và thời gian công bố thông tin nghiêm ngặt hơn so với các DN thông thường; BCTC của CTNY phải kiểm toán hàng năm và CTKT phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý (UBCK); BCTC của CTNY phải được lập trên cơ sở tuân thủ chuẩn mực kế toán hoặc các chuẩn mực lập BCTC đối với các CTNY; Tuy nhiên, mỗi TTCK cụ thể đều có những quy định cụ thể về BCTC của các CTNY.

Do những đặc điểm, yêu cầu cũng như tính chất quan trọng của BCTC công khai của CTNY nên yêu cầu đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán BCTC CTNY cũng có những quy định chặt chẽ hơn. Vì vậy, hàng năm, UBCK đều tiến hành kiểm tra, rà soát và công bố các doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán BCTC, các tiêu chuẩn ngày càng được nâng lên và thắt chặt hơn.

II. THỰC TRẠNG

Kể từ thời điểm thành lập, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, cùng với đó đó là sự gia tăng nhanh số lượng các CTNY. Tính đến nay ước tính có khoảng con số các CTNY trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) là 370 và trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) là 308. Sự gia tăng này đang làm cho TTCK ngày càng trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 08/12/2015, toàn bộ thị trường đã có 1.240 loại chứng khoán niêm yết, trong đó bao gồm 671 doanh nghiệp niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết, 01 chứng chỉ quỹ ETF và 567 trái phiếu niêm yết. Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 425 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014; trong đó giá trị niêm yết trên SGDCK TP. Hồ Chí Minh chiếm 78,19%. Mức vốn hóa thị trường tính đến ngày 8/12/2015 đạt khoảng 1.156 nghìn tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2014 và tương đương 32,24% GDP. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2015 ước đạt 237 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tổng giá trị huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ ước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị vốn huy động.

Sự phát triển của TTCK Việt Nam đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó, nổi lên vấn đề có ảnh hưởng tới tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của thị trường. Đó là việc công bố thông tin định kỳ về BCTC của các CTNY trên TTCK. Hiện nay, việc công bố thông tin của các CTNY trên TTCK Việt Nam được thực hiện theo Luật Chứng khoán và Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 5 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính. Xét về quy định lẫn thực tiễn, việc trình bày và công bố thông tin của các CTNY hiện nay tồn tại một số bất cập làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành kiểm toán BCTC tại các công ty này.

Theo Thông tư 183, để được xem xét, chấp thuận đủ tiêu chuẩn, điều kiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng năm 2016 thì các tổ chức kiểm toán phải nộp hồ sơ trước ngày 20/10/2015. Như vậy, kể từ khi Thông tư có hiệu lực đến ngày nộp hồ sơ đăng ký kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng năm 2016 chỉ có 22 tháng. Thông tư 183 cũng quy định bắt buộc các tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng năm 2015 phải có 7 kiểm toán viên (KTV) hành nghề trở lên và tăng lên 10 KTV từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 (tương đương tốc độ phát triển 43%/năm). Đồng thời có tối thiểu 100 khách hàng kiểm toán BCTC năm 2015, tăng lên 250 khách hàng từ kỳ chấp thuận cho năm 2016. Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải có 10 KTV trở lên cho năm 2015, tăng lên 15 KTV từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 (tương đương tốc độ phát triển 50%/năm); phải có tối thiểu 150 khách hàng cho năm 2015, tăng lên 300 khách hàng từ kỳ chấp thuận cho năm 2016 (tăng 150 khách hàng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 100%/năm); vốn điều lệ phải tăng từ 4 tỷ đồng lên 6 tỷ đồng (tăng 50%)...

Trong khi đó, trên thực tế 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu nói trên tối đa chỉ đạt 25%/năm. Đây là một thách thức rất lớn đối với các công ty kiểm toán độc lập đủ điều kiện kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng ở “top” dưới hiện nay (khoảng 20/43 công ty).

Theo nhận định của các công ty kiểm toán vừa và nhỏ, với yêu cầu tăng đột biến về số lượng kiểm toán viên và khách hàng trong thời gian ngắn như quy định tại Thông tư 183 chỉ các công ty kiểm toán đã đủ các điều kiện theo quy định trước 20/10/2015 hoặc công ty xấp xỉ đạt yêu cầu (thấp hơn khoảng 10% đến 20%) so với các điều kiện nói trên có thể xoay xở để tiếp tục được kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng, đặc biệt là đối với khách hàng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Các công ty không đạt điều kiện quy định trước 20/10/2015 đồng nghĩa với việc sẽ không thể qua được “cửa ải” này trừ khi có sự hợp nhất và sáp nhập với công ty đã đủ điều kiện.

Tính đến đầu năm 2015 - sau 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán độc lập - thị trường kiểm toán độc lập nước ta đã “rơi rụng” 10 công ty kiểm toán quy mô nhỏ có dưới 5 KTV đủ điều kiện hành nghề và 12 công ty không có KTV nào đủ điều kiện hành nghề kiểm toán. Giám đốc nhiều công ty kiểm toán lo ngại điều này có thể tiếp tục xảy ra đối với khoảng 20/43 công ty kiểm toán quy mô vừa và nhỏ nếu không có giải pháp sáp nhập để tăng quy mô hoặc các giải pháp mở rộng khác để đạt tiêu chuẩn, điều kiện của Thông tư 183.

Xu hướng hợp nhất, sáp nhập các công ty kiểm toán độc lập cũng đã và đang diễn ra trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ sau khi Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành. Gần đây nhất phải kể đến sự sáp nhập của Công ty TNHH Grant Thornton (Việt Nam) và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Nexia ACPA vào tháng 7/2014. Hai công ty sau khi sáp nhập có tên gọi Grant Thornton là thành viên chính thức của mạng lưới Grant Thornton toàn cầu với hơn 200 nhân viên tại văn phòng Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Từ tháng 8/2014, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt chính thức thành lập với khoảng 80 nhân viên sau khi hợp nhất giữa Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Việt và Công ty TNHH Kiểm toán Tâm Việt. Tuy nhiên, đối với các công ty kiểm toán quy mô nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam, không phải công ty nào cũng có cơ hội và điều kiện để sáp nhập theo xu hướng trên.

Qua quá trình hình thành và phát triển, các công ty kiểm toán tại Việt Nam luôn hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ KTV. Công tác kiểm toán niêm yết ngày càng được chú trọng và thực tiễn đã đạt được những thành tựu nhất định cụ thể như sau:

Một là, ngày nay cùng với sự đào tạo chuyên ngành kiểm toán trong các trường đại học, các CTKT đã tận dụng các thế mạnh khác nhau để nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp. Các KTV được trang bị các kiến thức phù hợp (chương trình đào tạo của các CTKT, chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngành). Các CTKT xây dựng chương trình kiểm toán bài bản và đầy đủ làm cơ sở cho việc nghiên cứu và vận hành hiệu quả công tác kiểm toán. Các CTKT Việt Nam đã, đang và sẽ trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế hoạt động mang tính chất toàn cầu.

Hai là, Ban hành chương trình kiểm toán mẫu: Vào tháng 10/2010, Hiệp hội KTV hành nghề (VACPA) đã phối hợp với các công ty kiểm toán trong khuôn khổ chương trình tài trợ của World Bank đã soạn thảo và ban hành chương trình kiểm toán mẫu. Chương trình kiểm toán mẫu đã được chính thức áp dụng từ năm 2011 (cho năm kiểm toán 2010) tại một số CTKT Việt Nam. Việc ra đời chương trình kiểm toán mẫu đã giúp cho rất nhiều CTKT Việt Nam nhỏ và vừa có cơ hội hoàn thiện hơn công tác kiểm toán và tạo ra sự thống nhất chung trong việc tiến hành kiểm toán BCTC tại Việt Nam.

Ba là, Đội ngũ KTV luôn luôn được nâng cao trình độ: Trước đây, các KTV xuất phát từ các nhân viên thuế, thanh tra, kế toán viên không được đào tạo chuyên nghiệp về phương pháp tiếp cận kiểm toán mà dựa vào kinh nghiệm cá nhân để hành nghề. Ngày nay, các KTV đã và đang được sự quan tâm của các CTKT trong việc nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Bốn là, hệ thống pháp lý đã và đang hoàn thiện căn bản: Luật Kiểm toán độc lập ra đời năm 2009 đã thể hiện rõ nhất sự hoàn thiện về hệ thống pháp lý đối với công tác kiểm toán độc lập. Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán cụ thểvà 01 chuẩn mực về đạo đức KTV và sắp tới có sửa đổi, thay thể các chuẩn mực kiểm toán trước đó để phù hợp với hội nhập hoạt động kiểm toán toàn cầu.

Năm là, số lượng CTKT và KTV ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, số lượng CTKT đủ điều kiện kiểm toán các CTNY được UBCK chấp thuận ngày càng gia tăng cả về chất và lượng.

Mặc dù công tác kiểm toán BCTC các CTNY trên TTCK Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong thời gian qua tuy nhiên thực tế cho thấy chất lượng kiểm toán còn chưa đồng đều và tồn tại một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất là hạn chế về phương pháp tiếp cận kiểm toán trong kiểm toán BCTC các CTNY trên TTCK Việt Nam. Thực tế cho thấy phần lớn các công ty kiểm toán còn tiếp cận kiểm toán theo hệ thống (thông qua xem xét và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ để kiểm toán các khoản mục). Cách tiếp cận này còn những hạn chế nhất định và bộc lộ những nhược điểm so với phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro.

Thứ hai là số lượng và chất lượng các công ty kiểm toán cũng như KTV còn chưa đáp ứng trọn vẹn yêu cầu. Mặc dù hàng năm một số công ty kiểm toán đều tiến hành một cách bài bản và khá quy mô tuy nhiên công tác này còn thực hiện chưa đồng bộ ở tất cả các công ty, đồng thời sự đầu tư ở một số công kiểm toán còn chưa đầy đủ kéo theo chất lượng kiểm toán còn chưa đồng đều, một số công ty thiếu KTV nên các cuộc kiểm toán đôi khi được thực hiện mà không đảm bảo. Kết quả kiểm tra đã phát hiện trong số 15 CTKT thuộc diện kiểm tra năm 2014, thì có 3 CTKT cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các DN trong lĩnh vực chứng khoán có một số vi phạm. Nếu như năm 2014 UBCK chấp nhận cho 43 công ty kiểm toán được phép KTNY thì con số này được chấp nhận trong 2 đợt công bố đầu của năm 2015 là 27 công ty. Như vậy mặc dù UBCK đã rà soát và chọn lựa danh sách các công ty được phép kiểm toán niêm yết tuy nhiên thực tế vẫn tồn tại khá nhiều sai phạm.

Thứ ba là hạn chế về cơ sở pháp lý đối với công tác kiểm toán BCTC các CTNY trên TTCK Việt Nam. Thực tế cho thấy hệ thống pháp lý điều chỉnh đối với kiểm toán BCTC các CTNY vẫn chưa thực sự đầy đủ và còn nhiều bất cập trong việc áp dụng. Các văn bản còn tồn tại các mâu thuẫn, chưa đồng bộ chẳng hạn như hướng dẫn đánh giá chênh lệch tỷ giá, trích lập dự phòng… Năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập các đơn vị có lợi ích công chúng. Tuy nhiên, việc áp dụng thông tư này vào thực tế còn khá nhiều bất cập. Chẳng hạn theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 183 thì “Việc xem xét, chấp thuận tổ chức kiểm toán và KTV hành nghề đủ tiêu chuẩn, điều kiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng được thực hiện định kỳ một năm một lần. Kỳ chấp thuận được tính theo năm dương lịch từ ngày 01/01 đến ngày 31/12”. Ngoài ra, cũng theo Điều 11 của Thông tư này thì “Từ ngày 01/10 đến ngày 20/10 hàng năm, tổ chức kiểm toán nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này cho Bộ Tài chính để được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng”; đồng thời “Tổ chức kiểm toán phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 05/11”. Như vậy, theo quy định này để được xem xét chấp thuận cho kỳ chấp thuận tiếp theo thì tổ chức kiểm toán đã phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện và chuẩn bị hồ sơ xin xem xét, xin chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng từ năm trước đó (sớm hơn một năm). Ví dụ, để được xem xét chấp thuận đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện hành nghề kiểm toán cho đơn vị lợi ích công chúng năm 2016 thì các tổ chức kiểm toán đã phải chuẩn bị và nộp hồ sơ trước ngày 20/10/2015.

Thứ tư là thiếu chế tài mạnh để xử lý các sai phạm của các công ty kiểm toán nên các sai phạm còn xảy ra ở các năm sau. Theo báo cáo của VACPA hàng năm, VACPA thường kiểm tra 1/3 số CTKT và thông thường sau 3-4 năm mới kiểm tra lại, nhưng các công ty yếu kém năm sau sẽ được tiếp tục kiểm tra. Qua đây cho thấy thị trường kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện thực tế hiện nay việc cạnh tranh thị trường về giá phí kiểm toán cũng tác động không nhỏ tới chất lượng của kiểm toán BCTC CTNY. Đã từng có đề xuất Bộ Tài chính quy định khung giá phí kiểm toán nhưng vì yếu tố thị trường cạnh tranh nên đã không thể thực hiện được. Đặc thù của ngành nghề kiểm toán dẫn tới rất khó để so sánh các sản phẩm được cung cấp bởi các công ty kiểm toán.

III. GIẢI PHÁP

Thứ nhất là hoàn thiện quy trình kiểm toán chung hướng tới đồng bộ phương pháp kiểm toán hiệu quả hơn. Thực tế thực hiện ở các nước lớn trên thế giới cho thấy phương pháp tiếp cận kiểm toán theo rủi ro có những ưu điểm so với tiếp cận theo hệ thống. Kiểm toán dựa trên cơ sở rủi ro giúp cho KTV tập trung phân tích các thương vụ và quản lý rủi ro khách hàng. Vì vậy định hướng cho công tác kiểm toán BCTC các CTNY trên TTCK nói riêng và kiểm toán BCTC nói chung tại Việt Nam theo phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro trong hoạt động là điều cần thiết. Khi đó, các KTV tiến hành đánh giá rủi ro trong hoạt động của CTNY và đưa ra các công việc kiểm toán hướng tới đánh giá và phát hiện những rủi ro. Ngoài ra để đảm bảo chất lượng cho cuộc kiểm toán thì các công ty kiểm toán cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và kế hoạch đặt ra, không được cắt giảm thủ tục và giản lược các bước công việc đã đề ra.

Thứ hai là nâng cao chất lượng kiểm toán viên đáp ứng yêu cầu thực tế. Năng lực kiểm toán viên là yếu tố trực tiếp tới chất lượng của cuộc kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán BCTC CTNY nói riêng. Vai trò của KTV là xác minh và bày tỏ ý kiến hay đảm bảo tính minh bạch của thực trạng tài chính được kiểm toán. Trên thực tế hoạt động này luôn hiện hữu những rủi ro và đặc biệt rủi ro khi KTNY lại càng cao đồng thời trách nhiệm đối với KTV cũng cao hơn. Như vậy yêu cầu cấp thiết là cần nâng cao năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp cho KTV. Muốn vậy cần tiến hành đào tạo KTV một cách bài bản, hàng năm cần bổ sung cập nhật kiến thức một cách thường xuyên. Các công ty cần có một sự đầu tư mạnh, có chiều sâu để đáp ứng đủ KTV về lượng và mạnh về chất. Ngoài ra, bên cạnh sự trao đổi nâng cao đảm bảo chất lượng KTV cũng cần siết chặt việc tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đây cũng là mấu chốt để nâng cao chất lượng kiểm toán cho nền cả nền kiểm toán Việt Nam.

Thứ ba là hoàn thiện về cơ sở pháp lý đối với công tác kiểm toán BCTC CTNY trên TTCK Việt Nam. Việc không đồng nhất giữa các văn bản pháp lý gây ra không ít khó khăn cho các KTV trong quá trình thực hiện kiểm toán BCTC đặc biệt là kiểm toán BCTC CTNY. Muốn vậy trước hết cần phải dựa trên chuẩn mực chung của thị trường và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó cần kết hợp với thực tiễn yêu cầu Việt Nam và các quy định của UBCK, cơ quan giám sát của Nhà nước… Tổ chức ban hành các văn bản này nên là hiệp hội nghề nghiệp và dưới sự kiểm tra giám sát của Bộ Tài chính thì văn bản ban hành mới sát thực và hiệu quả. Những văn bản luật ban hành cần kèm theo hướng dẫn cụ thể, sát với thực tiễn. Thực tế cho thấy năm 2013 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 183/2013/BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng. Mặc dù thông tư này ra đời có ý nghĩa quan trọng định hướng cho các công ty kiểm toán trong công tác kiểm toán BCTC CTNY trên TTCK Việt Nam nhưng nó cũng có những bất cập nhất định. Muốn thông tư hiệu quả sát thực hơn cần tổ chức các buổi hội thảo, lấy ý kiến thực tế từ các đối tượng trực tiếp tham gia công tác này, như vậy các văn bản ra đời mới thực tế sát thực và hiệu quả.

Thứ tư là hoàn thiện chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong kiểm toán BCTC CTNY. Chúng ta đã biết số lượng và trình độ của những người quan tâm đến thông tin trên BCTC của các CTNY rất đa dạng và phức tạp dẫn đến độ tin cậy BCTC của các CTNY phải yêu cầu cao hơn. Những thông tin sai lệch nếu tồn tại trên BCTC CTNY sẽ gây ảnh hưởng rộng lớn tới số lượng người dùng thông tin và có lợi ích liên quan. Tóm lại, để BCTC CTNY được minh bạch và rõ ràng hơn thì việc quản lý công tác kiểm toán BCTC các CTNY trên TTCK Việt Nam cần được tiến hành một cách sát sao, nghiêm túc. Đối với các trường hợp vi phạm cần được xử lý một cách nghiêm khắc, quy rõ trách nhiệm về đối tượng cụ thể. Cần phải quy định rõ tổ chức nào chịu trách nhiệm giám sát công tác kiểm toán BCTC CTNY trên TTCK Việt Nam, tổ chức nào có đủ thẩm quyền xử lý các vi phạm. Các mức xử lý vi phạm phải đủ mạnh để vừa mang tính cảnh báo, vừa mang tính răn đe cho các đối tượng vi phạm. Trong trường hợp chưa có những quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải giải trình BCTC với những sai sót nghiêm trọng, cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể áp dụng biện pháp như công bố rộng rãi danh sách các công ty thường xuyên có hiện tượng bất nhất số liệu trong BCTC trước và sau kiểm toán, công ty thường xuyên lặp lại các lỗi đã từng bị nhắc nhở... Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể tránh rơi vào “bẫy” có thể có của các công ty, bản thân các công ty cũng ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi xây dựng và công bố BCTC.

Song song với những giải pháp nêu trên, một số vấn đề liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin công bố trên TTCK Việt Nam cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, như: tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung và hệ thống BCTC nói riêng; nâng cao vai trò của UBCKNN trong tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý, trong giám sát, quản lý việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là việc phát hành chứng khoán của các CTNY; có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ công bố thông tin trên thị trường như: Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Mỹ (2012), Hoàn thiện kiểm toán Báo cáo tài chính của các Công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, luận án tiến sĩ kinh doanh và quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

2. Bộ Tài chính (2004), Hệ thống văn bản pháp luật về Kiểm toán Việt Nam, NXB Tài chính, Hà Nội.

3. Bộ Tài chính (2013), Thông tư 183/2013/TT-BTC ngày 5/4/20113, Trang Web của Bộ Tài chính.

4. GS.TS. Nguyễn Quang Quynh và PGS.TS. Ngô Trí Tuệ (2014). Kiểm toán tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

5. Ths. Lê Hoàng Phúc (2014). Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin tài chính của CTNY trên TTCK Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu khoa học số 3/2014.

Ngày nhận bài: 05/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016

Thông tin tác giả:

Lê Thị Oanh và Nguyễn Thị Sâm

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Financial statement audit of listed companies in Vietnam

Le Thi Oanh - Nguyen Thi Sam

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

After more than 20 years of development, the audit secor has made great achivements and taken an important role in Vietnam. Despite the fact that financial statement audit activities of listed companies conducting by Vietnams audit firms does not fully meet requirement of transparency, Vietnams audit sector is focusing on improving quality.

Keywords: Listed companies, financial statement, stock market, audit firm.