Kinh nghiệm sử dụng và ứng phó hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Do vậy, việc nắm vững các công cụ phòng vệ thương

Tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam và EU trong việc sử dụng và ứng phó hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, đã đánh giá cụ thể về các biện pháp phòng vệ thương mại mà các DN Việt Nam đang gặp phải.

Đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại

Các biện pháp phòng vệ thương mại là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp, thường được áp dụng 5 năm và có thể gia hạn tiếp.Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO.

Tính đến hết tháng 10/2014, con số các vụ kiện đã lên đến 80 vụ, trong đó DN Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ. Các vụ kiện này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các ngành sản xuất mặt hàng tương tự tại Việt Nam, nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, basa, tôm và da giày...

Từ năm 1994 đến năm 2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau trên thế giới, trong đó số lượng các vụ việc mà sản phẩm đối tượng là thép là khoảng 15 vụ việc. Riêng trong 3 năm gần đây (từ năm 2011 đến năm 2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép.

Trong khi DN xuất khẩu Việt Nam liên tục đối mặt với rào cản phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, thì ở thị trường trong nước, các DN lại chưa thực sự quan tâm đến công cụ hữu ích này để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Trước làn sóng của hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa, theo các chuyên gia, Việt Nam cần chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ứng phó hiệu quả

Vấn đề cấp bách đặt ra là DN Việt Nam cần phải hiểu rõ và nắm vững các quy trình, thủ tục điều tra cũng như các thông tin cần có, để đề ra những giải pháp điều chỉnh kịp thời nhằm ứng phó một cách hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, DN cần nâng cao nhận thức, nắm rõ nguyên tắc áp dụng và coi đây như các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Cụ thể, sử dụng công cụ nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao… chứ không phải là một công cụ để các DN lạm dụng, ỷ lại.
Còn ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh nhấn mạnh: Khi bị kiện chống bán phá giá, thì các DN Việt nên chủ động tham gia các vụ kiện là biện pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của DN. Cục Quản lý cạnh tranh sẵn sàng hỗ trợ các DN khi họ đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá.

Việc đầu tiên muốn kiện một đối tác về chống bán phá giá thì DN phải có đầy đủ thông tin về số liệu. DN phải thu thập giá bán của DN bị kiện tại nước họ và tại Việt Nam trong giai đoạn điều tra. DN phải tính được biên độ phá giá và giá bán bình quân của DN đó nên số liệu thu thập ít nhất phải là giá bán nội địa theo 4 quý mới biết giá bán bình quân để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Đối với hồ sơ tự vệ thì con số chứng minh thiệt hại phải rõ ràng về doanh thu giảm, lỗ, nhiều DN trong ngành phá sản…

Các DN Việt cũng phải kêu gọi sự ủng hộ của các DN cùng ngành sản xuất trong nước để tạo sự đồng thuận, vì hiện nay DN Việt được coi là mạnh ai nấy làm, không hợp tác với nhau…