Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường (CCQLTT) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng tăng giá quá mức; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về giá đối với các mặt hàng bình ổn giá nhất là những mặt hàng có tính nhạy cảm như xăng dầu, sữa, phân bón, thực phẩm, sắt thép, vàng, ngoại tệ trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum có biên giới giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia. Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn, tuy chưa phát hiện những vụ có giá trị lớn, nhưng diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức khác nhau nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Tại khu vực cửa khẩu, lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an,... thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về việc mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát đột xuất, định kỳ tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu vực đồn biên phòng để đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để phối hợp tuần tra, kiểm soát theo tuyến, địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng trọng điểm, nhạy cảm có thể phát sinh buôn lậu.
Trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát, đã xử lý nghiêm minh các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định; sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm như ma túy, pháo nổ các loại, đồ chơi trẻ em có tính chất nguy hiểm, kích động bạo lực hoặc ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách, các sản phẩm văn hóa không lành mạnh; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng rượu ngoại, bia, đường kính, thuốc lá, đồ điện lạnh, điện thoại di động và các mặt hàng có tính thời vụ vào dịp tết Nguyên đán. Qua kiểm tra đã xử lý: 424 vụ buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, lâm sản trái phép trong đó chuyển xử lý hình sự 31 vụ, với số tiền xử phạt gần 6,8 tỷ đồng; tang vật tịch thu gồm: 1.122 m3 gỗ các loại, 1.109 khẩu súng nhựa, 58 bao thuốc lá Jet có tổng giá trị 24.565.545.000 đồng.

Kiểm tra sản phẩm Rượu trong dịp tết Nguyên đán
Các vụ việc vi phạm về đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh còn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn, đặc biệt là ở các khu trung tâm thương mại, thị trường nông thôn, thể hiện qua số cơ sở chưa thực hiện đăng ký kinh doanh và kinh doanh chưa đúng với nội dung đăng ký, nhiều cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện đối với hoạt động kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong năm 2011, CCQLTT đã xử lý 523 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 700 triệu đồng.
Ngày 17 tháng 04 năm 2012 vừa qua, tại văn phòng Sở Công thương tỉnh Kon Tum, Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính do Chi cục QLTT chủ trì với sự chứng kiến của đại diện các ngành chức năng tỉnh đã tiến hành bàn phương án và thực hiện việc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu qua công tác kiểm tra kiểm soát thị trường thời gian qua. Tang vật tịch thu và tiêu hủy chủ yếu là hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hàng vi vi phạm sở hữu công nghiệp không có giá trị sử dụng, hàng hóa cấm lưu hành... Đợt tiêu hủy lần này bao gồm các mặt hàng như: máy tính Casio giả, phụ tùng xe máy, thuốc tây và thực phẩm hết hạn sử dụng, đồ chơi trẻ em cấm lưu hành, băng đĩa nhạc, nhiều nhất là bia Carslberg với số lượng 530 thùng đã hết hạn sử dụng. Đây là đợt tiêu hủy lượng hàng hóa bị tịch thu có số lượng và giá trị lớn.
Qua công tác kiểm tra trong năm của các sở, ngành chức năng, nhìn chung các cơ sở kinh doanh đã thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết, qua kiểm tra không phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường. Mặt khác Ban chỉ đạo cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác chống buôn lậu, cũng như thường xuyên nhắc nhở giáo dục cán bộ công chức trong lực lượng nâng cao cảnh giác, giữ vững phẩm chất đạo đức trong công tác tham gia đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển theo quy định của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh chân chính, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2012, Ban chỉ đạo 127 tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban chỉ đạo; Thực hiện tốt công tác dự báo, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ ở khu vực biên giới - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính trị, chú trọng công tác quản lý địa bàn, phân công CBCC trong lực lượng bám địa bàn kịp thời ngăn chặn có hiệu quả những hành vi kinh doanh trái pháp luật; Kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về giá, về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và gas, trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, cạnh tranh không lành mạnh, tung tin thất thiệt... góp phần bình ổn thị trường.
Cán bộ, công chức trong lực lượng QLTT Kom Tum quyết tâm đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, từng cán bộ, công chức thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, không bị mua chuộc, lôi kéo, tiếp tay cho nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tại các xã biên giới không tham gia buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép hay tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu đẩy lùi lạm phát, ổn định và phát triển kinh tế trong thời gian tới.