Theo Kế hoạch vừa được phê duyệt, các loại đất sẽ thu hồi là 1.267,29 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 1.060,73 ha; đất phi nông nghiệp là 194,66 ha; đất chưa sử dụng là 11,90 ha.
Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất là 1.242,70 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 1.226,81 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 15,89 ha.
Kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng là 13,63 ha. Trong đó, tổng diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng là 13,63 ha; sử dụng cho mục đất phi nông nghiệp là 13,63 ha.
UBND Thành phố Kon Tum chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh về tính chính xác, hợp pháp, thống nhất số liệu, tài liệu với thực tế và theo đúng quy định của pháp luật trong hồ sơ trình.
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ, thống nhất của hồ sơ, số liệu, tài liệu và nội dung trình.
UBND Thành phố Kon Tum có trách nhiệm công bố công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn thành phố theo đúng quy định; thực hiện nghiêm túc kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đúng theo kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, UBND Thành phố Kon Tum chỉ được tổ chức thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải thẩm định về nhu cầu sử dụng đất trên cơ sở hạn mức được UBND tỉnh quy định khi đã đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với các Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị, quy định về đấu nối vào quốc lộ, tỉnh lộ, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của Thành phố Kon Tum, phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất trong phương án phân bổ khoanh vùng đất đai theo khu vực chức năng và từng loại đất trên đơn vị hành chính cấp huyện trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2030 cấp tỉnh.
“Khi thực hiện thu hồi đất đối với trường hợp dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có văn bản chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 2 Điều 68 của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP. Đối với các dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 chỉ được thực hiện thu hồi đất khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất.” - UBND tỉnh yêu cầu.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND Thành phố Kon Tum tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên kiểm tra tiến độ đầu tư dự án và thu hồi đất đối với các dự án chậm hoặc không triển khai; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại; kiểm soát chặt chẽ tình trạng tự phát chuyển đổi đất trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác không theo kế hoạch sử dụng.
Đồng thời, thực hiện tốt chính sách thu hồi, chuyển mục đích, giao cho thuê đất theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và các Quy hoạch trên địa bàn Thành phố Kon Tum; định kỳ hàng quý báo cáo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của Thành phố về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Kon Tum, bao gồm 21 đơn vị hành chính (10 phường và 11 xã), với diện tích tự nhiên là 43.601,18 ha.
Theo đó, thành phố Kon Tum được định hướng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, giảm thiểu gây tác động môi trường, nhằm góp phần công nghiệp hóa bền vững của tỉnh.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Khu công nghiệp Hòa Bình; Khu công nghiệp Sao Mai; Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề H’Nor; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm.
Thành phố Kon Tum sẽ phát triển mới 08 cụm công nghiệp phía Nam thành phố (tại xã Hoà Bình và xã Ia Chim) có quy mô diện tích khoảng 569,5 ha (đến năm 2030 có 03 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 210,8 ha; đến năm 2040 có 05 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 358,7 ha). Ngành nghề là chế biến lâm sản, nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị vận tải, thiết bị điện, điện tử, may mặc, logistic… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, sẽ phát triển 01 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại phường Ngô Mây (nằm tiếp giáp với Cụm Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung) có quy mô diện tích 25 ha. Ngành nghề là phân loại, làm sạch, tái chế phế liệu.