Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu (XNK), giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp. Qua 11 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Con số nhiều ý nghĩa
“Phải khẳng định, con số 500 tỷ USD kim ngạch XNK 2 chiều quả thực là con số ấn tượng, giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13% thì Việt Nam thuộc Top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Đáng chú ý, không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, để thể hiện rõ định hướng và mục tiêu đề ra, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các mục tiêu điều hành là cải thiện cơ cấu hàng XK, không chỉ hướng về chiều rộng mà còn tăng trưởng về chiều sâu. Theo kế hoạch, ta sẽ cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 nhưng thực tế, ta đã đạt thặng dư thương mại từ năm 2016 và con số này ngày càng được duy trì, thể hiện sự bền vững của hoạt động XNK.
Theo Bộ trưởng, cùng với một chiến lược XNK rõ ràng và cụ thể, phải kể đến công tác tổ chức thực hiện, sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh các cải cách hành chính cũng như hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh theo tính chất rất kiến tạo, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, tạo nên cú huých cho sự phát triển của khối DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân.
Môi trường đầu tư thông thoáng cũng giúp thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài tương đối lớn, đến nay đã đạt con số hơn 360 tỷ USD. Như vậy, năng lực sản xuất của ta, thông qua nguồn đầu tư của các tổ chức nước ngoài ngày càng lớn, giúp hình thành những chuỗi giá trị sản xuất của khu vực, quốc tế.
Cuối cùng, một vấn đề khác cần phải khẳng định là với đà phát triển chung của đất nước, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Không chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay DN nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và cơ cấu XNK mà phải khẳng định đã có sự xuất hiện, trỗi dậy mạnh mẽ của thế hệ DN nhỏ và vừa. Chính thế hệ DN này đã tham gia trực tiếp vào tiến trình hội nhập của đất nước và đã có cải thiện đáng kể, không chỉ về năng lực XK mà còn về trình độ quản trị cũng như năng suất lao động và trình độ công nghệ của các lĩnh vực mà họ tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, kết quả XNK khả quan thời gian qua cũng chính là kết quả trực tiếp của chiến lược hội nhập với những bước đi rất mạnh bạo, kiên quyết, thống nhất xuyên suốt và rõ ràng bằng việc ta đang đàm phán ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được triển khai thực hiện, giúp hàng hóa dịch vụ của Việt Nam có điều kiện cạnh tranh thuận lợi với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Bằng chứng là thuế suất phần lớn dành cho nông nghiệp, thủy sản và các hàng hóa khác về 0%, với những ưu đãi cũng như điều kiện thuận lợi khác thông qua các cam kết hội nhập về minh bạch hóa điều kiện thị trường, chúng ta đã có cơ hội đưa hàng hóa sang 200 thị trường, quốc gia trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại sang các thị trường này cũng duy trì con số rất cao, liên tục, lên đến 2 con số.
Trong bối cảnh chung là cầu thế giới đang giảm nhanh và mạnh, sụt giảm và tăng trưởng âm trong XNK thì tốc độ tăng trưởng này là có thể khẳng định, ta đã khai thác có hiệu quả các FTA và các khung khổ hội nhập đã tham gia. Đây cũng chính là một bài học kinh nghiệm mà ta tiếp tục tổng kết để tìm hướng phát triển trong tương lai.
Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại sẽ còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là các câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. Bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là chúng ta cần phải tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.
Thứ hai, cần tập trung vào các động lực cho tăng trưởng bằng cải cách thể chế cũng như pháp lý để có được sự phát triển về chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư và hội nhập.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện một cách nhất quán và kiên định chiến lược hội nhập. Chiến lược hội nhập ở đây không chỉ là việc cắt bỏ hàng rào thuế quan và khai thác mở cửa thị trường, mà điều quan trọng là cải cách trong tất cả các khía cạnh và lĩnh vực trong các cam kết hội nhập đã có. Đây chính là những giải pháp mang lại động lực cho tăng trưởng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn cả tiến bộ xã hội. Đó chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.
Chính vì vậy, yêu cầu tổ chức thực thi các cam kết hội nhập, từ việc nội luật hóa những cam kết trong các FTA cho đến việc đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp với yêu cầu và thách thức trong các khung khổ hội nhập. Đặc biệt, tiếp tục nỗ lực trong hợp tác với các đối tác thương mại, nhất là đối tác có FTA để khai thác thị trường. Nếu không đồng bộ hóa các biện pháp đó bằng nỗ lực chung của tất cả các bộ, các ngành, cơ quan chức năng thì ta sẽ đánh rơi mất những lợi thế, cơ hội.
“Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh đến một vấn đề tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa quyết định, là khung khổ hợp tác công tư giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng DN. Bởi chủ thể của hội nhập kinh tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu chính là cộng đồng doanh nghiệp, còn nhà nước chỉ kiến tạo. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ các chương trình hành động đến các kế hoạch cải cách để xây dựng môi trường kiến tạo. Bộ Công Thương cũng sẽ tự xác định mình trong chương trình lớn đó để góp phần đảm bảo phát triển bền vững hoạt động XNK, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN”, Bộ trưởng nói.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục Trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Hiệp định CPTPP; tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA cũng được chú trọng thời gian qua.
Qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Mexico.
Việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng. Bộ đã và đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý