Kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp I được thành lập theo Quyết định số 478/TTg ngày 24 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Trường Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp n

Từ những khoá học đầu tiên, Nhà trường mới chỉ đào tạo ngành Dệt- Sợi, với số lượng 74 học sinh khoá 1 (1956-1959), 52 học sinh khoá 2 (1957-1960) và 52 học sinh khóa 3 (1958-1961), đến nay, đã trở thành một địa chỉ đào tạo có uy tín trong cả nước, với quy mô đào tạo đạt trên 23.000 học sinh, sinh viên. Năm 2006, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào hệ cao đẳng chính quy của Trường là 34.604 em (cao nhất cả nước).

Từ năm 1998 đến nay, Nhà trường đã tập trung mọi lực lượng, tiếp tục đa dạng hóa loại hình và mở rộng quy mô đào tạo, thường xuyên đổi mới nội dung chương trình, biên soạn mới các tài liệu, giáo trình cho các ngành học truyền thống, xây dựng chương trình và triển khai đào tạo một số ngành nghề mới như: Công nghệ thông tin, điện tự động hoá, điện tử... đối với tất cả các bậc đào tạo: Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và các hệ chính quy, vừa học vừa làm và liên thông giữa các bậc học.

Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình, Nhà trường đã quan tâm đặc biệt tới các biện pháp quản lý chất lượng đào tạo, nhất là các lớp ngoài trường; quy định cụ thể những nội dung đào tạo liên kết và quy trình xét duyệt đối với giáo viên tham gia thỉnh giảng; tổ chức thi và kiểm tra theo ngân hàng đề thi của trường; tiến hành thanh tra trước khi bắt đầu mỗi kỳ thi. Tổ chức thi lý thuyết “3 chung” đối với tất cả các môn hoc: Chung đề, chung đợt và chấm thi chung theo số phách. Việc thi thực hành được gắn với sản phẩm. Đồng thời đã liên kết với nhiều doanh nghiệp để sử dụng những thiết bị mới phục vụ cho thực hành của học sinh, sinh viên, như Công ty Dệt Nam Định, Công ty Dệt Huế, Công ty Dệt Hà Nội, Công ty Bia Hà Nội, Bia Na Đa...

Cùng với các giải pháp trên, Trường còn quan tâm và tăng cường công tác quản lý giáo dục học sinh, tiến hành thi học sinh giỏi hàng năm và tổ chức nhiều hoạt động phong trào khác nhằm đào tạo toàn diện và có chất lượng cao đối với sinh viên khi ra trường. Kết quả khảo sát đã cho thấy, trên 90% học sinh tốt nghiệp ra trường đã có việc làm và được các cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận đánh giá cao.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, Nhà trường đã tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các trường và các tổ chức nước ngoài như: Học viện Công nghệ Rajamangala (RIT) Thái Lan, Trung tâm đào tạo IHK Dresden CHLB Đức, AOTS, JODC (Nhật Bản), Trường Đại học Kinh tế Tài chính Vân Nam (Trung Quốc)... nhằm cập nhật và chuyển giao công nghệ mới, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội ngũ, cũng như khai thác mọi nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất và hiện đại hoá các phương tiện, thiết bị dạy học.

Về đầu tư cơ sở vật chất, trong những năm gần đây, Nhà trường đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được nhiều nhà xưởng như: Giảng đường C,D,K, xưởng thực hành 3 tầng, nhà làm việc 9 tầng tại cơ sở Hà Nội; giảng đường A1, nhà ăn, nhà làm việc của giáo viên, nhà Hiệu bộ A5 tại cơ sở Nam Định và đặc biệt trong năm 2006, đã mở rộng mặt bằng với tổng diện tích cả 2 cơ sở Nam Định và Hà Nội là 25 ha, hiện đang triển khai thực hiện Dự án “Quy hoạch tổng thể Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp I giai đoạn 2006 - 2020”, với tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trên 333 tỷ đồng. Đồng thời, Nhà trường đã mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, như: Hệ thống máy CNC cho ngành Cơ khí, máy thiết kế mẫu và giác sơ đồ tự động cho ngành May, máy so màu quang phổ và thí nghiệm nhuộm mẫu nhỏ cho ngành Nhuộm, thư viện điện tử, hệ thống phòng họp cầu truyền trực tuyến giữa hai cơ sở... đáp ứng cơ bản yêu cầu đào tạo của Trường.

Cùng với các giải pháp đổi mới nội dung chương trình đào tạo, tăng cường quản lý và đầu tư cơ sở vật chất, Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm tới công tác bồi dưỡng đội ngũ. Trong những năm vừa qua, Đảng uỷ Nhà trường đã có Nghị quyết riêng về công tác cán bộ, tiến hành xây dựng chiến lược và lộ trình phát triển đội ngũ đến năm 2015. Các giải pháp chủ yếu của công tác này là tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên của các trường có uy tín, tổ chức kèm cặp và thử thách trong thời gian ngắn để xác định năng lực thực tế và mức độ tâm huyết với nghề, sau đó lựa chọn và tạo mọi điều kiện để họ được bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt. Đến nay đã có 315 giảng viên cơ hữu với 153 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 48,5%). Ngoài ra, còn có gần 300 PGS, TS, ThS và kỹ sư có kinh nghiệm của các trường đại học, các viện và doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng. Ngoài ra, Nhà trường đã tăng cường mở các lớp bồi dưỡng sư phạm và các chuyên đề về công nghệ mới tại trường, cũng như tích cực tìm nguồn để đưa giáo viên đi học tập bồi dưỡng ở các nước phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Malaisia, Thái Lan, Trung Quốc, Brunei... Đồng thời, đã tổ chức thường xuyên các hội giảng cấp khoa, cấp trường và tham gia tích cực hội giảng cấp thành phố và toàn quốc. Trong 5 năm qua đã có: 10 giải cấp toàn quốc, trong đó 2 giải nhất và 3 giải nhì; 39 giải cấp tỉnh và thành phố (15 giải Nhất và 13 giải nhì...). Qua các kỳ hội giảng đã giúp cho giáo viên và Nhà trường nhiều kinh nghiệm để đổi mới phương pháp giảng dạy.

Công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian này cũng được xác định là một nhiệm vụ chính của Trường. Hội đồng khoa học của Nhà trường được thành lập và nhanh chóng tổ chức triển khai hoạt động. Kết quả trong gần 10 năm qua, đã hoàn thành 12 đề tài cấp Bộ, 135 đề tài cấp trường và cấp khoa, ứng dụng có hiệu quả trong công tác nhà trường và cho sản xuất tại một số địa phương. Điển hình là các đề tài về: Xây dựng chương trình đào tạo liên thông; Công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn và Tin học hoá quản lý nhà trường. Đặc biệt, đã có đề tài do sinh viên làm chủ nhiệm như đề tài: “ứng dụng vi điều khiển dòng họ AT89 để điều khiển cơ cấu tự động cuốn dây phơi quần áo khi trời mưa” của sinh viên Nguyễn Mạnh Trường, lớp Cao đẳng Điện tử K13, đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Về chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ giáo viên và học sinh sinh viên, Nhà trường đã tập trung chỉ đạo phát triển, các hoạt động thực tập kết hợp với lao động sản xuất và tăng cường dịch vụ đào tạo trong khuôn khổ cho phép để tăng thêm quỹ phúc lợi, tạo nhiều việc làm cho cán bộ giáo viên. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ sát với Nghị định 10 và Thông tư 25 trên tinh thần công khai từ cơ sở, đảm bảo công bằng và dân chủ. Ngoài ra, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho cán bộ tham quan, nghỉ mát vào các dịp nghỉ hè, tết, ngày lễ, và chăm lo cải thiện điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh, sinh viên khu nội trú; Đồng thời, phối hợp và tạo điều kiện cho Công đoàn và Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao, cũng như các hoạt động giao lưu giữa hai cơ sở với những đơn vị liên kết dưới các hình thức thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, cắm trại...

Với những kết quả trên, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2005), hạng Nhì (2001), hạng Ba (1996), 2 Huân chương Lao động hạng Nhất (1985, 1992) hạng Nhì (1981, hạng Ba (1960, 1962). Huân chương Tự do hạng Nhất của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (1981) và rất nhiều cờ thưởng, bằng khen của các cấp, các ngành. Công đoàn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2005). Đoàn Thanh niên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (2004), hạng Ba (1999). 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 582 lượt cán bộ giáo viên được tặng thưởng các loại huân, huy chương khác; 1 thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 9 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 21 phòng ban khoa và cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Nhiệm vụ trước mắt của Nhà trường là, tập trung mọi nỗ lực đảm bảo các điều kiện để nâng cấp lên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp trong năm tới; khẩn trương triển khai và hoàn thành vượt mức kế hoạch giai đoạn đầu của Dự án Quy hoạch tổng thể Nhà trường đến năm 2020; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, hiện đại hoá nhà trường; bổ sung nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên ngang tầm nhiệm vụ mới, giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo... góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
  • Tags: