Đất nông nghiệp ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được hình thành bồi tụ từ phù sa của hệ thống sông có dòng chảy ngắn như sông Mã, sông Lam, sông La…, địa hình hẹp và độ dốc cao nên đất rất nghèo lân, nghèo kali đặc biệt các chất dinh dưỡng trung lượng như vôi, magie, lưu huỳnh và các chất vi lượng kẽm, bo, đồng, sắt….
Cùng với khí hậu tương đối khắc nghiệt như nóng nhiệt độ cao về mùa hè, tần suất xuất hiện mưa bão lớn gây ngập lụt ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển cũng như năng suất của các giống lúa đặc biệt vụ lúa mùa. Đặc biệt vụ Hè thu năm 2023 được dự báo nắng nóng nhiều hơn, điều kiện các hồ đập có trữ lượng nước thấp hơn năm 2022 nên nguy cơ nhiều diện tích Hè thu ở các khu vực cuối kênh, cuối mương thiếu nước nghiêm trọng.
Từ kết quả các công trình nghiên cứu và tổng kết thực tiễn sản xuất cho thấy để có vụ mùa thắng lợi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp tổng hợp trong canh tác lúa:
Lựa chọn phân bón phù hợp, sử dụng khoa học
Biện pháp giống và thời vụ:
Tùy theo tình hình thực tiễn của các vùng sinh thái mà bố trí cơ cấu giống lúa vụ mùa cho phù hợp, cả nhóm lúa nước và nhóm lúa cạn, đồng thời bố trí thời vụ gieo cấy sao cho phù hợp với thời kỳ cây lúa trổ bông, phơi màu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2023 là thích hợp nhất.
Biện pháp phân bón:
Lựa chọn được phân bón tốt, sử dụng khoa học sẽ giúp cho cây lúa khỏe mạnh, có sức đề kháng cao chống lại các điều kiện bất thuận của thời tiết và sâu bệnh gây hại vụ mùa. Khi sử dụng phân bón NPK thông thường, cây lúa chỉ mới được cung cấp 3 thành phần dinh dưỡng là đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O). Các yếu tố còn lại cần thiết cho cây lúa như: vôi (CaO), magie (MgO), silic (SiO2), lưu huỳnh (S), và các chất vi lượng kẽm (Zn), Bo (B), sắt (Fe), Đồng (Cu), Mangan (Mn) và coban (Co)… lại thiếu khá nghiêm trọng.
Nhiều chục năm nay, người nông dân các tỉnh miền Trung đã ưa dùng phân nung chảy Văn Điển. Đây là loại phân bón đa lượng, tổng dinh dưỡng dễ tiêu đạt trên 98% bao gồm chất Lân, Ca, Mg, Si và nhiều dinh dưỡng vi lượng khác rất cần cho cây lúa.
Đặc biệt, các chất dinh dưỡng dễ tiêu trong phân bón Văn Điển không tan trong nước, không bị thất thoát do rửa trôi, bay hơi hay bị chất sắt (Fe), nhôm (Al) bám giữ như các loại phân bón khác mà được cây trồng sử dụng hết trên 98%, vừa đạt hiệu quả sử dụng cao mà không còn để lại tồn dư gây hại cho đất và môi trường.
Từ phân lân nung chảy Văn Điển kết hợp với đạm urê, kaly Canađa và một số dinh dưỡng vi lượng khác sản xuất phân đa yếu tố NPK dùng cho lúa, phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa:
- Phân chuyên bón lót lúa gồm nhiều loại như: ĐYT NPK 6:11:3 hoặc ĐYT NPK 5:12:3 , 10:10:5, 10:7:3, 8:8:4 hoặc phân đa yếu tố lúa 1 chuyên bón lót.
- Phân bón ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón thúc cho lúa có nhiều công thức khác nhau như: phân đa yếu tố NPK(16 :5 :17) có hàm lượng N 16%, P2O5 5%. K2O 17% Mg 5%, SiO2 7%, CaO 8%, S 2%,… ; loại NPK 12 :5 :10 có hàm lượng N12%, P2O5 5%, K2O 10%, Mg2%, SiO2 4%, CaO 5%... Hiện nay nhiều nơi bà con sử dụng công thức NPK 13:3:10 còn được gọi là Lúa 2 chuyên bón thúc đẻ và thúc đòng cho lúa.
Kỹ thuật sử dụng phân bón ĐYT NPK Văn Điển cho lúa mùa ở các tỉnh miền Trung
Kỹ thuật bón lót:
Tùy thuộc chân ruộng, giống lúa và lượng phân hữu cơ mà cân đối lượng phân bón lót; trung bình mỗi sào Trung bộ (500m2) bón khoảng 20-25kg phân ĐYT NPK Văn Điển chuyên bón lót lúa. Ruộng chân cao, cấy lúa ít thóc thì bón ít, ruộng thấp trũng, chua nhiều, cấy lúa nhiều thóc thì bón nhiều. Với các giống lúa cao cây, chống đổ yếu như các giống lúa nếp cao cây, chân ruộng lầy thụt,,, cần tăng phân bón lót trên 25 - 30kg, hoặc hơn.
Để phân bón lót (phân chuồng ủ mục và phân ĐYT NPK chuyên bón lót lúa) được trộn đều và gửi xuống các lớp đất phía dưới, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông; phân nên rải đều ra ruộng trước khi bừa cấy hoặc trước lượt bưà cuối cùng. Nếu lo mất nước, mất phân thì có thể rải phân ngay sau khi bừa xong, khi nước còn đục, bùn còn lỏng.
Không nên bón phân lót sau khi nước đã trong, bùn đã lắng. Bởi lẽ khi đã lắng bùn là các chất dinh dưỡng đã được bám hết vào hạt đất và chìm xuống phía dưới, trong nước lúc này chỉ còn các chất gây chua phèn, chất gây ngộ độc cho rễ lúa. Sau đó để lắng bùn, trong nước 1-2 ngày, tháo bớt nước trong rồi gieo cấy. Đối với gieo sạ thì có thể rải phân lúc làm phẳng ruộng hoặc làm luống cũng được.
Phân bón Văn Điển khi được vùi sâu vào đất sẽ được “để giành” ở các lớp đất phía dưới vừa kích thích bộ rễ ăn sâu, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng giai đoạn làm đòng và nuôi đòng, nuôi hạt; tạo điều kiện cho cây lúa cứng cáp, cân đối rễ và thân, giúp cây khỏe, ít sâu bệnh, không đổ ngã, tạo cho bông to, hạt mảy…
Kỹ thuật bón thúc:
Căn cứ vào chân ruộng, lượng phân đa yếu tố NPK đã bón lót và tình hình sinh trưởng của mỗi giống lúa mà chuẩn bị phân bón thúc như sau:
- Ruộng cấy dày, cấy to, chân ruộng vàn thấp bón khoảng 15-20kg/sào; ruộng vàn, vàn cao, hay mất nước, cấy giống lúa cao sản bón khoảng 20-25/sào
-Những ruộng lầy thụt, ruộng cấy lúa nếp cao cây, hoặc những giống lúa dễ đổ... nên giảm lượng phân thúc, (thậm chí có thể bỏ phân bón thúc) và chỉ nên bón thúc đẻ khi cấy được 7-10 ngày.
- Riêng chân ruộng cao ghềnh, giống lúa cứng thân, đẻ ít, ruộng lúa gieo thẳng thì có thể bón thúc làm 2 lần: Bón phân thúc đẻ cần phải được bón sớm ngay khi lúa ra lá non hoặc ra rễ trắng (cây 3 lá tuổi với lúa gieo thẳng). Do vậy,sau cấy 5-7 ngày đã phải bón phân thúc lần 1, bón 60-70% lượng phân bón thúc. Khi lúa chuẩn bị phân đốt, bón hết lượng phân còn lại.
Lưu ý: Để giảm bớt thất thoát phân bón do hiện tượng bốc hơi, rửa trôi hay thẩm lậu…, không nên bón phân thúc khi trời đang nắng nóng và khi ruộng nhiều nước. Nên bón phân khi trời mát và ruộng cạn nước.
Gần 20 năm qua, phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển đã có mặt trên đồng ruộng miền Trung cho kết quả rất tốt, nhiều ruộng năng suất lúa vượt trội so với bón phân đơn, hoặc NPK thông thường từ 1,5 – 2 lần. Chất lượng gạo nhờ đó cũng tăng, đặc biệt các giống lúa chất lượng.
Bà con nông dân các tỉnh miền Trung, điển hình ở các huyện Hà Trung, Yên Định, Hoàng Hóa, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa); Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn (tỉnh Nghệ An); Đức Thọ, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã tin tưởng và hoàn toàn sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển cho cả hai vụ Đông Xuân và vụ Mùa.
Ông Nguyễn Văn Thắng - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Nghệ An cho biết: Phân bón Văn Điển đã có mặt trên đồng ruộng Nghệ An nhiều năm nay, các huyện trọng điểm lúa như Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên bón phân Văn Điển lúa tốt chắc, tốt bền đẻ nhánh gọn cứng cây, ít đổ ngã.
Đặc biệt đối với lúa lai hạn chế bệnh bạc lá, sức chống chịu tốt ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lúa vẫn cao, chất lượng gạo được cải thiện…. Sử dụng phân Văn Điển cho cây lúa mùa giúp cây lúa khỏe, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.