Kỹ thuật vận hành và sử dụng hầm, bếp (BIOGAS)

Để bổ sung những kiến thức cơ bản nhất trong quá trình sử dụng hầm và bếp biogas, chúng tôi có tham khảo một số giải pháp kỹ thuật của Trung tâm Năng suất Việt Nam, nhằm giúp bà con sử dụng có hiệu qu

I. Hầm biogas.
Sau khi được xây xong theo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm tra độ kín và được phép đưa vào sử dụng, cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hoá chất.
- Phân thải cần phải được nạp đều đặn hàng ngày.
- Lượng phân: 0,1m3 - 0,15m3  ứng với 1m3 mặt hầm.
- Định kỳ 6 tháng vét bã trên áp lực một hầm, 5 năm vét bã trong tầng chứa gas và 10 năm vét hầm một lần.

Cách vét bã tầng áp lực (gồm hai cách)
Cách 1: Múc hết bã nổi trên tầng áp lực, xả gas cho nước tụt về hầm để trơ vòm hầm. Tiếp theo, nút đầu ống lấy gas lại. Sau 6 đến 12 giờ, hầm sẽ phát sinh lượng gas tốt.
Cách 2: Bơm khí vào hầm (qua ống nạp phân) cho đến khi khí thoát qua chân cống trào, xả cho nước tụt về hầm, vét bã trên vòm. Sau khi hoàn thành các công đoạn nói trên, bà con tiến hành bơm nước vào ngập vòm để đẩy không khí trong hầm ra ngoài, nút đầu cống lấy gas lại. Sau 6 - 12 giờ, lượng gas sẽ phát sinh đủ.

Cách vét bã trong hầm chứa gas.
Mặc dù hầm tự động thải bã, nhưng không hoàn toàn hết được. Do đó, sử dụng lâu năm, bã trong hầm sẽ chiếm dần chiều cao thể tích tầng chứa gas. Khi vét, bà con cần bơm nước vào hầm cho đến khi khí dư thoát ra qua chân cống trào. Xả khí cho nước tụt về hầm, kéo cống trào lên, dùng cào răng móc hết lớp bã nổi trên bề mặt sinh khối, rồi  đóng cống trào lại. Bơm nước ngập vòm, đóng đầu ống lấy gas lại. Sau 6 - 12 giờ, hầm phân huỷ sản sinh lượng gas đủ dùng.

Cách vét hầm
Hầm sử dụng lâu sẽ có các loại chất cặn lắng tụ làm cạn đáy hầm, làm lượng gas giảm, cần phải vét. Khi vét nên múc hết nước và bã trên tầng áp lực, dùng đòn bẩy nâng cống trào lên, dùng cào răng móc bã, vét sạch hầm, xong nạp phân vào. Nếu muốn có gas dùng ngay, thì cho 20% lượng phân cũ trở lại hầm, chú ý: không lẫn bã, đất, cát…
Khi nguồn phân đã nạp vào, thấy gas cháy có ngọn lửa xanh, phân và nước trên tầng áp lực ngả màu đen, sủi bọt ít thì hầm sản xuất gas tốt. Nếu lượng gas ít thì phải thêm phân vào hầm. Nếu gas cháy ngọn lửa vàng, khó tắt lửa, nhiệt toả thấp tức là phân trên tầng còn tươi, bốc mùi thối hoặc sủi bọt nhiều do phân huỷ chậm, cần đưa phân vào hầm cho đến khi lượng gas tiếp tục tăng lên, tăng thêm nước gas sẽ cháy tốt.

II. Bếp gas.
Hệ thống ống dẫn :
Gas là loại khí sinh học, rất dễ gây sự ăn mòn và làm gỉ sét kim loại nhanh, nên dùng loại ống nhựa dẻo, ráp nối kín và độ bền cao. Đường kính của ống khoảng 16mm, một đầu ống ráp với đầu lấy gas, còn đầu kia ráp với phương tiện sử dụng. Trước phương tiện sử dụng có lắp một van chính để khoá hơi (dùng van nhựa cứng có đường kính 21mm).

Bếp gas:
Dùng loại bếp gas công nghiệp, lỗ phun gas có đường kính 3mm, các rãnh chia lửa phải có đường kính 2mm trở lên, lỗ hút gió rộng để gas cháy tốt. Trước khi mở bếp gas, phải chú ý mở van chính, sau đó mới mở bếp từ từ cho đến khi ngửi thấy mùi gas (mùi trứng thối) châm lửa, gas bắt cháy… Nếu gas cháy chập chờn, tia lửa mất chân, nên mở lớn gas do gas còn xấu. Gas cháy ngọn lửa vàng do trong hỗn hợp gas có nhiều hơi nước hoặc đáy nồi ướt. Gas cháy tốt cho ngọn lửa xanh da trời, mở lớn không tắt.

  • Tags: