Không vào "chợ"… làm sao huy động được vốn!
Trong khi thị trường tiền tệ (hệ thống ngân hàng) chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho việc đầu tư phát triển kinh tế -xã hội, thì việc phát triển nhanh thị trường vốn (trong đó, Thị trường Chứng khoán làm nòng cốt) không những ngày càng trở lên quan trọng mà còn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đang ở mức độ cao như hiện nay. Thế nhưng tiếc thay, việc tạo dựng thị trường vốn trong suốt những năm qua chưa thu được kết quả như mong muốn. Bằng chứng là, kể từ khi TTCK Việt Nam hình thành và đi vào hoạt động, đến nay đã được hơn 4 năm, song giá trị giao dịch chỉ đạt trung bình khoảng 2- 3 tỷ đồng/ngày. Một con số quá nhỏ bé đối với một thị trường chứng khoán, kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế.
Lý giải về sự khiêm tốn trong việc huy động vốn quá thấp từ thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là doanh nghiệp. Tại sao? Chắc hẳn ai cũng biết, một trong những mục tiêu quan trọng trong việc tiến hành sắp xếp- đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (CPH-DNNN) chính là tạo ra sự tự chủ trong sản xuất- kinh doanh và huy động vốn cho đầu tư (trong đó, xác định lấy TTCK làm kênh huy động vốn chủ yếu). Song đến nay, theo số liệu của Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, trên địa bàn cả nước đã có gần 1.000 doanh nghiệp đã được CPH, thì chỉ có 21 doanh nghiệp tham gia niêm yết trên TTCK. Điều đặc biệt, trong số này hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và trung bình với số vốn không lớn, nên đã không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Thậm chí ngay cả Bộ Công nghiệp, đến thời điểm hiện tại đã có trên 90 DN trong tổng số gần 300 DNNN tiến hành CPH, nhưng vẫn chưa có một doanh nghiệp nào tham gia niêm yết trên TTCK!
Hệ quả tất yếu, cho dù trên thực tế các doanh nghiệp đã được CPH, song việc huy động vốn lại vẫn phải "nhờ vả" vào ngân hàng, mà ngân hàng đâu phải lúc nào cũng đủ tiền hoặc sẵn sàng cho vay... Điều này dẫn đến tình trạng, người thừa tiền (nhà đầu tư) thì không biết phải làm gì, còn người thiếu tiền (doanh nghiệp), ngoài ngân hàng và các tổ chức tín dụng quen thuộc lại chưa biết xoay xở bằng cách nào. Đây cũng là thực trạng chung của nền kinh tế Việt Nam (xét dưới khía cạnh huy động nguồn vốn). Vì theo ước tính của NHNN, hiện nay nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào khoảng trên 8 tỷ USD, nếu biết huy động nguồn vốn này thông qua TTCK để đầu tư cho phát triển kinh tế, thì hàng năm chúng ta không phải đi vay một lượng tiền khá lớn để phát triển kinh tế- văn hoá - xã hội.
Vậy vấn đề chính đặt ra hiện nay là làm thế nào để doanh nghiệp tích cực tham gia vào TTCK?
Luật phải "thông"... doanh nghiệp phải "đổi mới"!
Có lẽ, để xảy ra tình trạng TTCK Việt Nam luôn luôn ở tình trạng phiên "chợ chiều", bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp như không chịu thoát khỏi lối tư duy làm ăn kiểu cũ, thậm chí ỷ lại "bầu bú" quen thuộc của Nhà nước hoặc ngại công khai tính minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp khi niêm yết trên thị trường...thì cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan xuất phát từ cơ chế, chính sách hiện hành.
TTCK, được xác định là hình thức huy động vốn bậc cao nhất của kinh tế thị trường, nhưng hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất cho sự quản lý và hoạt động ở lĩnh vực này chỉ dừng lại ở cấp nghị định của Chính phủ; trong khi đó những nghị định và quy định hiện hành lại còn quá nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo quy định, một doanh nghiệp được coi là đủ điều kiện tham gia niêm yết trên TTCK phải hội tụ đủ 03 tiêu chuẩn chính; trong đó, các thành viên HĐQT ,ban giám đốc và ban kiểm soát phải nắm giữ tối thiểu 50% cổ phiếu trong vòng 3 năm kể từ khi được niêm yết trên TTCK. Quy định là vậỵ, song đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết các DNNN đã CPH, Nhà nước vẫn có cổ phần (thậm chí là cổ phần chi phối). Chủ tịch HĐQT và bộ máy HĐQT, có khi do Nhà nước chỉ định để thay mặt Nhà nước bảo toàn nguồn vốn (đối với công ty mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối) hoặc do đại hội cổ đông bầu (đối với những công ty mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối- nhưng số này rất ít), thì các thành viên HĐQT lấy tiền đâu cùng ban giám đốc, ban kiểm soát nắm giữ đến 50% cổ phiếu? (Đấy là chưa tính đến những chuyện tế nhị liên quan đến việc có vị chủ tịch hay tổng giám đốc nào lại giám bỏ tiền ra mua cổ phiếu của doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, không khéo lại mang tiếng với thiên hạ)! Bên cạnh đó, theo Luật Doanh nghiệp, thì đối với công ty cổ phần, chủ tịch HĐQT, đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước có quyền thuê giám đốc về điều hành doanh nghiệp, song thực tế thì giám đốc và ban giám đốc vẫn được cấp trên bổ nhiệm.
Việc quy định như trên đối với doanh nghiệp cổ phần thuộc những nước có nền kinh tế phát triển là rất chặt chẽ và hợp lý, nhưng đối với Việt Nam, một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, thực ra vẫn còn quá cứng nhắc. Mà xét trên thực lực, khi mà còn rất nhiều công ty cổ phần, Nhà nước vẫn còn nắm giữ cổ phần chi phối, thì khó có thể tham gia vào TTCK được. Như vậy, điều kiện cần và đủ để mọi doanh nghiệp có thể tham gia vào TTCK khi và chỉ khi một trong những quy định bắt buộc trên (bộ máy lãnh đạo phải nắm giữ ít nhất 50% cổ phần) bị bải bỏ hoặc Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối (51% trở lên) trong các công ty cổ phần, khi xét thấy không cần thiết.
Tuy nhiên, theo nhận định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hiện trên địa bàn cả nước nhiều công ty có khả năng niêm yết trên thị trường CK, nhưng vẫn không mặn mà gì. Lý do thật đơn giản, bởi họ (công ty) không muốn công khai thông tin, còn HĐQT lại không muốn chịu áp lực của thị trường, sợ phải phơi bày những yếu kém; thậm chí ngay đến các cổ đông nhỏ cũng còn e ngại vì TTCK Việt Nam bất ổn định. . .
Do đó, để các doanh nghiệp tích cực tham gia vào TTCK về phía Nhà nước cần phải điều chỉnh lại các chính sách vĩ mô liên quan đến chứng khoán theo hướng chặt chẽ nhưng thông thoáng, phù hợp với hoàn cảnh riêng của Việt Nam, để các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia. Trước mắt, cần phải sửa lại những văn bản hiện hành (cụ thể là NĐ 64 và NĐ 144 liên quan đến CPH và điều kiện tham gia niêm yết trên TTCK), tiến tới là xây dựng Luật Chứng khoán hoàn chỉnh. Đồng thời, phải tiến hành tuyên truyền mạnh mẽ những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia TTCK để doanh nghiệp hiểu rằng: TTCK không những là nơi huy động vốn của doanh nghiệp, mà còn là nơi khuyếch trương thương hiệu. Quả thực, trong một nền kinh tế thị trường khá hoàn chỉnh, một doanh nghiệp được coi là không bình thường, nếu như cổ phiếu của doanh nghiệp đó không được đưa lên sàn giao dịch. Khi đó, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó sẽ bị tiêu diệt. Về vấn đề này, chẳng nói đâu xa, ngay như ở Việt Nam cách đây 3-4 năm cái tên HAPACO (Công ty Cổ phần Giấy Hải Phòng), đâu có được mấy người biết đến, nhưng kể từ khi tham gia vào TTCK, thương hiệu HAPACO đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng.
Rõ ràng, để TTCK Việt Nam phát triển, xứng đáng với tên gọi "kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế", bên cạnh các chính sách điều chỉnh thông thoáng của Nhà nước, quan trọng nhất vẫn là ý thức của cộng đồng doanh nghiệp. Vì hơn ai hết, một khi Nhà nước đã mở ra chợ, dù có đẹp, có tiện nghi và thuận lợi bao nhiêu mà không có sự tham gia của thương nhân và tiểu thương thì coi như cũng chẳng có ý nghĩa gì!