Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á sẽ ở mức -1,6% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo “không tăng trưởng” được đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng cảnh báo khu vực Châu Á sẽ cần đến vài năm để phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương tại IMF, nhận định nền kinh tế khu vực Châu Á hiện vẫn ở trạng thái tốt hơn so với các khu vực kinh tế khác trên thế giới. Theo ông Changyong Rhee, “Châu Á không phải là một ngoại lệ” ám chỉ đến việc IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này trong bối cảnh toàn cầu đang chịu các tác động nghiêm trọng từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống mức -4,9%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo -3% được đưa ra hồi tháng 4/2020. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 5,4% trong năm 2021 trong trường hợp đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt vào cuối năm nay.
Châu Á là khu vực đầu tiên bị tấn công bởi đại dịch Covid-19 vốn khởi phát từ thủ phủ công nghiệp Vũ Hán, Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu, nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh những cũng đồng thời khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Ông Changyong Rhee dự báo nền kinh tế khu vực Châu Á sẽ bật tăng mạnh trở lại và có thể đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2021 nhưng mức độ hoạt động kinh tế trong khu vực sẽ vẫn yếu hơn so với những gì IMF dự báo trước khi đại dịch xuất hiện. Tuy nhiên, điều khiến IMF thực sự lo ngại hiện nay là đà phục hồi của nền kinh tế Châu Á sau năm 2020, theo ông Changyong Rhee.
Ông Changyong Rhee cho biết các quốc gia khu vực Châu Á có “sự phụ thuộc lớn” vào các hoạt động thương mại, du lịch và kiều hối. Đây đều là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nền từ đại dịch Covid-19. Ngay cả khi các biện pháp y tế mới được đưa ra để kiểm soát dịch bệnh thì sự phục hồi của những lĩnh vực như du lịch sẽ diễn ra rất chậm. Do đó ông Changyong Rhee cảnh báo sự phục hồi của nền kinh tế Châu Á sẽ cần nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, đứng trước nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai trong khu vực, IMF cảnh báo nhiều quốc giá, đặc biệt là các nền kinh tế đang nổi lên, sẽ không có đủ nguồn lực và không gian chính sách để hỗ trợ nền kinh tế chống lại các tác động của đại dịch Covid-19 như đã làm trong thời gian vừa qua. Do đó, IMF khuyến nghị các chính phủ Châu Á cần tiếp tục quan tâm và thận trọng khi vừa tái mở cửa nền kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.