Ngày xưa, Bình Định nổi tiếng với chiếc nón ngựa, một loại nón chủ yếu sản xuất để cung cấp cho giới quan lại triều đình, các bậc văn nhân thượng lưu, công tử con nhà giàu có. Thuở xưa, người đi ngựa phải có chiếc nón đội đầu thì mới oai phong lẫm liệt. Có lẽ vì thế mà người ta gọi là nón ngựa chăng ?
Có điều, chẳng ai dám trả lời dứt khoát là nón ngựa Gò Găng có từ bao giờ ? Nhiều người bảo rằng, nón ngựa ở đây là biến dạng từ nón thượng của người Chiêm Thành sau khi kinh thành Đồ Bàn sụp đổ và hoang phế từ năm 1471. Làng Gò Găng nằm sát bên cổ thành, đã bắt chước cách chằm nón của người Chiêm Thành, có thay đổi chút ít để trở thành chiếc nón của người Việt, bởi lẽ, về hình dáng có khác, nhưng chất liệu thì như nhau. Có người thì lại bảo, nón ngựa Gò Găng có từ thời Tây Sơn khởi nghĩa với sự tích Nguyễn Nhạc cưỡi bạch mã, đầu đội nón ngựa ở Thành Hoàng Đế.
Nón ngựa trông đẹp nhưng cầu kỳ, làm rất công phu và trải qua nhiều công đoạn tỷ mỉ. Người chằm nón phải vất vả lên tận nguồn An Tượng (huyện Tây Sơn) để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày. Cật giang được nạo sạch vỏ, chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ và đều. Sau đó đem đan thành ba lớp mê sườn, lớp trong cùng đan ngang, lớp giữa đan ngang mắt cáo và lớp ngoài cùng, đan theo chiều nón. Bên ngoài phủ lớp lá kè chằm bằng những mũi chỉ thơm tàu trắng muốt. Loại lá kè này phải vào tận rừng sâu ở La Hai (Phú Yên) chặt lấy mang về, để cho héo hoặc phơi trong mát cho khô, trước khi đem lợp nón.
Bên trong chiếc nón (loại nón kép) được thêu thùa các hình long, ly, quy, phượng bằng chỉ ngũ sắc trông trang nhã và đẹp mắt. Trên đỉnh nón, khoảng 15 chiếc vành nhỏ bằng nan tre chẻ nhỏ, chuốt láng, đan sít vào nhau thay cho phần lợp lá kè bên ngoài. Chóp nón có thể làm chóp bạc hay chóp đồi mồi, cũng chạm trổ các hình long, ly, quy, phượng. Quai nón thường là lụa màu xanh hay đỏ, bản rộng, ở cằm có đính thêm chân tua chỉ màu cho đẹp.
Thời gian để chằm xong một chiếc nón ngựa phải mất cả tháng trời, vì vậy mà giá bán rất đắt, chỉ có người quyền quý cao sang mới mua nổi. Về sau, nón ngựa được cải tiến dần để phục vụ cho người lao động. Từ nón ngựa đơn sang nón lá, nón buôn, nón chũm… giá bình dân và được mọi người ưa chuộng.
Loại nón ngựa đơn thì không có chóp bạc, thay vào đó là túm chỉ ngũ sắc cho đẹp. Đám cưới nhà quê, các nhà giàu thường sắm cho chủ rể, cô dâu chiếc nón ngựa trong ngày cưới.
Ngày nay, chiếc nón Gò Găng dường như có sự pha trộn một cách hài hòa giữa hai loại nón ngựa và nón bài thơ xứ Huế. Tuy không cầu kỳ, tốn nhiều công sức và chất liệu, nhưng không vì thế mà chiếc nón lá Bình Định giảm đi phần duyên dáng nên thơ.
Nghề làm nón ở Bình Định là một nghề cổ truyền, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng ít vốn, đủ nuôi sống gia đình sau ngày mùa lam lũ. Nón Gò Găng được chở đi bán khắp mọi miền đất nước, giá rẻ, bền và đẹp chẳng thua gì chiếc nón Huế.
Song song với sự phục hồi chiếc áo dài truyền thống, chiếc nón lá cũng góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Có hình ảnh nào duyên dáng và quyến rũ cho bằng hình ảnh người con gái Việt Nam e lệ, nghiêng nghiêng chiếc nón lá bên tà áo dài thướt tha./.