Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020 đã xác định phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu (Khu KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành khu kinh tế động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn hội nhập toàn diện của Việt Nam. Giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là một trong các khu KTCK trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, do vậy hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ ở các khu vực cửa khẩu.
Với diện tích 394 km2, Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ đó phát triển thành trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Xác định mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Khu Kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành khu kinh tế tổng hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; có môi trường đầu tư cạnh tranh, thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và hợp tác quốc tế…”, Nghị quyết số 22 ngày 3/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã định đường hướng để các cấp, ngành cụ thể hóa bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình hành động. Các huyện, thành phố nằm trong phạm vi khu kinh tế cửa khẩu đưa mục tiêu cụ thể của nghị quyết vào chương trình, kế hoạch ngắn hạn và trung hạn để tổ chức triển khai thực hiện.
Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn từ năm 2010 đến năm 2020 là trên 6.940 tỷ đồng, được tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các chương trình dự án trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hoạt động thu hút đầu tư đạt được một số kết quả tích cực; luỹ kế đến hết năm 2020, địa bàn Khu KTCK có 122 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 12.700 tỷ đồng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xem xét lựa chọn, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết các biên bản ghi nhớ, đăng ký đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn cho 102 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến trên 105.000 tỷ đồng cho hơn 80 nhà đầu tư trong và ngoài nước; trong đó Khu KTCK có 32 dự án với số vốn đăng ký hơn 72.633 tỷ đồng.
Tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn có 29 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký gần 3.034 tỷ đồng phục vụ XNK, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Các hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ, thương mại hiện có 50 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.100 tỷ đồng.
Các hoạt động đầu tư đã tạo đà cho phát triển Khu KTCK. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Khu KTCK giai đoạn 2010 - 2020 liên tục ở mức cao so với tốc độ tăng chung của tỉnh, bình quân hằng năm đạt 12,9% (toàn tỉnh 9,2%).
Tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của trung ương về cơ chế, chính sách và nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong Khu KTCK với tổng vốn tăng nhanh qua các năm, qua đó đã nhanh chóng tạo ra được hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ ở khu vực các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma.
Đến nay, Khu KTCK đã trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch với Quảng Tây (Trung Quốc); tạo ra động lực thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; từng bước hình thành trục đô thị Đồng Đăng - Lạng Sơn, hệ thống cửa khẩu được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá XNK được nâng lên, thu hút mạnh các hoạt động sản xuất và kinh doanh XNK qua địa bàn.
Trong thời gian tới, định hướng phát triển khu KTCK của tỉnh tập trung vào phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; chủ động, tăng cường công tác đối ngoại; xây dựng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”; phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Tập trung vào các giải pháp chủ yếu để phát triển Khu KTCK, trong đó chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa khẩu và sớm hình thành các khu chức năng trong Khu KTCK; phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch và dịch vụ; tăng cường công tác đối ngoại; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế cửa khẩu; tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Để quản lý các hoạt động tại khu kinh tế, cấp có thẩm quyền đã thành lập và kiện toàn tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đồng thời thành lập các trung tâm quản lý cửa khẩu, là cơ quan đầu mối tại cửa khẩu tham mưu, đề xuất, tháo gỡ khó khăn trong quá trình điều hành và quản lý.
Trên cơ sở các quy hoạch đã được lập và phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách; quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế. Đến năm 2015, tỉnh đã tập trung nguồn lực, triển khai trên 60 dự án với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 – 2015, cấp có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án trong khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 1,5 nghìn tỷ đồng.
Nếu như giai đoạn 2011 – 2015 được coi là giai đoạn tạo đà thì giai đoạn 2016 – 2020 được coi là giai đoạn tăng tốc của Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định chương trình trọng tâm số một là: “Phát triển nhanh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn”.
Triển khai chương trình trọng tâm, các cấp, ngành đã tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Ngoài những chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách như: tạm ứng trước từ ngân sách để đẩy nhanh thi công một số dự án trọng điểm, cấp bách; chính quyền bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 12, ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với ban hành chính sách, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung cải cách hành chính, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn khu kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát tại khu kinh tế cửa khẩu. Song song với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để phù hợp với yêu cầu phát triển. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập và phê duyệt 16 quy hoạch trong khu kinh tế. Hiện nay, hầu hết các khu vực cửa khẩu, các khu chức năng trong khu kinh tế đã được lập quy hoạch chi tiết xây dựng; nhiều khu vực đã được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp yêu cầu phát triển.
Đồng thời, kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục được tỉnh quan tâm củng cố và phát triển. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn từ nguồn vốn ngân sách là trên 4,2 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong khu kinh tế trong cả giai đoạn ước đạt 31,2 nghìn tỷ đồng.
Với những giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch, củng cố hạ tầng, thu hút đầu tư được các cấp, ngành tích cực triển khai, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh theo đúng mục tiêu mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
Về các dự án đầu tư, đến nay, trên địa bàn khu kinh tế có 130 dự án trong nước (chiếm 31% tổng dự án của cả tỉnh) và 21 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực (chiếm 66% tổng dự án đầu tư nước ngoài cả tỉnh) với tổng vốn đăng ký trên 1,2 tỷ USD. Các dự án đã và đang được triển khai thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu kinh tế.
Trong hoạt động xuất, nhập khẩu, đến nay đã có trên 3,1 nghìn doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thực hiện xuất, nhập khẩn hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động này, nhưng ước tính chung trong cả giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc khu kinh tế đạt trên 17,5 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với giai đoạn 2011 – 2015; thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu và phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế xấp xỉ 19 nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đến cuối năm 2020, trên địa bàn khu kinh tế có trên 2,4 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh với số vốn đăng ký trên 19 nghìn tỷ đồng; có trên 12,4 nghìn hộ sản xuất kinh doanh và trên 113,1 nghìn lao động.
Những con số ấy cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trong nhiệm kỳ qua. Sự phát triển ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại nội địa trong khu kinh tế, dự kiến đến hết năm 2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong khu vực này đạt 15-16 nghìn tỷ đồng, bằng 75-80% tổng mức của cả tỉnh trong năm 2020. Trong khu kinh tế đã hình thành mạng lưới các khu thương mại – dịch vụ, hạt nhân là các loại hình thương mại như: trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị…