Theo ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc nói chung có một đặc điểm hết sức quan trọng đó là nơi sinh sống của 30 nhóm, ngành dân tộc; với 81% dân số sống ở khu vực nông thôn. Đối với Lào Cai con số này là 25 nhóm ngành dân tộc và 73% dân số ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Với đặc thù này, việc huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ trước đến nay đều luôn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn rất dễ dàng nhận thấy như tại các địa bàn này là: cơ sở hạ tầng kém phát triển, địa bàn chia cắt khiến suất đầu tư cao, trình độ lao động địa phương thấp trong khi quy mô thị trường nhỏ, sức mua kém.
Để giải quyết những khó khăn này, tỉnh Lào Cai đã bám sát 2 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh cho biết, Lào Cai đã xác định 3 vấn đề chính để có thể triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa thời gian qua.
Thứ nhất, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế để phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực. Tỉnh Lào Cai xác định rõ 6 ngành hàng chủ lực để tập trung phát triển là: chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn. Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số.
Đến nay, các ngành hàng chủ lực bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng sản xuất chè tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng dược liệu tại Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa; vùng chuối, dứa tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng...
Bên cạnh đó, Lào Cai còn phát triển các sản phẩm đặc hữu như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, cá nước lạnh… đến nay đã có 142 sản phẩm được công nhận OCOP đạt 3 sao, 4 sao; 90% sản phẩm đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.
Thứ hai, trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh Lào Cai luôn đặt mình ở vai trò kết nối của vùng và của cả nước, đúng như Nghị quyết số 11-NQ/TW đã chỉ rõ: “Lào Cai là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam, các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc”.
Mỗi năm, các sản phẩm nông sản của các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Long An, Bình Thuận như vải, nhãn, xoài, thanh long, dưa hấu… tiêu thụ, xuất khẩu qua Lào Cai đạt trên 1 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt trên 800 triệu USD mỗi năm.
Đồng thời, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trên cả nước, thì tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lào Cai đã không còn xảy ra và danh mục các mặt hàng trái cây xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đang tiếp tục được mở rộng.
Thứ ba, những kết quả mà tỉnh Lào Cai đạt được trong thời gian qua là nhờ truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền đặc biệt là 25 nhóm, ngành dân tộc anh em trong tỉnh luôn đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai phát triển giàu đẹp.
Dù vậy, ông Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, để thực sự giải quyết được các điểm nghẽn và thách thức còn tồn tại, trước hết, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án của Trung ương, địa phương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt là thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.
“Khi đặt người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì chúng ta sẽ khai thác được nguồn lực vô cùng to lớn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai nhấn mạnh.
Mặt khác, cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp từ đó mới thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động, thu hút nguồn vốn các tổ chức nước ngoài cho việc phát triển thương mại miền núi gắn liền với phát huy bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc địa phương.
“Để thực hiện được các nội dung này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo của người đứng đầu mỗi địa phương để có những quyết sách phù hợp với từng địa bàn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai Nguyễn Huy Tưởng chia sẻ.