Lao động Việt Nam thiếu hụt nhân viên trình độ cao

*Đủ lực lượng lao động và nhân viên công nghệ thông tin *Thiếu kỹ sư, cán bộ quản lý cấp trung gian và nhân viên nói được tiếng Nhật có trình độ Một điều tra gần đây của Tổ chức Xúc tiến Thương mại

Về vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, theo điều tra của JETRO, các công ty được hỏi đều đang cần những nhân viên có trình độ là kỹ sư, cán bộ quản lý cấp trung gian là những người nói được tiếng Nhật. So với các nước ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp được nhiều lao động trình độ kỹ sư hơn, còn Thái Lan có lẽ là nước đang lâm vào tình trạng thiếu kỹ sư trầm trọng nhất do một loạt các nhà sản xuất ô tô đang có ý định đưa Thái Lan thành cơ sở nghiên cứu phát triển. Nói chung, khả năng cung cấp lao động phổ thông của Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan hiện rất hạn chế. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia dẫn đầu về khả năng cung cấp lao động nói được tiếng Nhật, tiếp đến là Thái Lan, nhưng nước này dường như vẫn thiếu đội ngũ phiên dịch và những người có kỹ năng tương tự.

Tại Việt Nam, nếu chia người lao động thành các nhóm công nhân, kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian, có thể thấy, lực lượng lao động nói chung ở đây khá dồi dào nhờ nhóm dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ở phía Nam và một vài nơi khác ngày càng khó giữ chân người lao động do xu hướng thích tìm việc mới. Các công ty của Nhật tại Việt Nam cũng gặp khó khăn đáng kể trong việc tuyển kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian. Cụ thể là quá nửa số công ty được điều tra đều than phiền về việc khó tìm được kỹ sư có trình độ, còn tình hình tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung gian ở Việt Nam đang ở mức tồi tệ nhất so với các nước khác trong khu vực. Kết quả điều tra chỉ ra rằng, trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã đón nhận luồng đầu tư mới tăng mạnh nhưng đội ngũ cán bộ có đủ kinh nghiệm lại chưa phát triển tương xứng.

Nếu đánh giá kỹ sư và nhân viên kỹ thuật theo lĩnh vực chuyên môn có thể thấy, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản chọn Việt Nam là một trong những quốc gia có trình độ gia công công nghệ thông tin (IT) tốt nhất. Đặc biệt, đội ngũ IT Việt Nam cũng giống như người lao động Việt Nam nói chung, có lợi thế về chi phí thấp (thấp hơn 20 – 30% so với nhân viên IT ở Trung Quốc. Đây cũng là lợi thế lớn nhất của nhân viên IT ở Việt Nam) và kỹ năng của họ ở mức chấp nhận được. Nhưng đội ngũ IT Việt Nam lại kém cạnh tranh hơn nếu so với khả năng nói tiếng Nhật của nhân viên IT Trung Quốc và so với trình độ công nghệ của nhân viên IT Ấn Độ. Theo khảo sát của JETRO, năm 2005, số người Việt Nam được cấp chứng chỉ tiếng Nhật, kể cả trình độ sơ cấp đến trình độ cao là hơn 5.248 người. Bất lợi hơn, khu vực phía nam Trung Quốc, ngay sát Việt Nam lại rất dồi dào về lao động thạo tiếng Nhật. Đây là một ưu thế rất lớn của Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản.

Cũng theo điều tra, ngoài công nghệ thông tin, những lĩnh vực đang cần nhân viên kỹ thuật có trình độ ở Việt Nam là cơ khí (58,5%) và điện/điện tử (41,5%). Các tỷ lệ này trong toàn khu vực ASEAN lần lượt là 54,1% và 339,7%. Các ngành kỹ thuật khác cũng đang có nhu cầu tuyển dụng ở Việt Nam cũng như ở các nước khác là vật liệu và luyện kim.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tiền lương ở các nước ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc đều có xu hướng tăng. Chiều hướng này được dự báo là sẽ tiếp tục gia tăng khi tình hình kinh tế ở các nước được cải thiện. Một vấn đề đặt ra là, nếu không kiểm soát được việc lương tăng thì lợi thế về chi phí nhân công thấp của khu vực ASEAN so với các khu vực khác trên thế giới sẽ mất dần. Có tới 75,9% công ty được hỏi đều coi vấn đề lương tăng là trở ngại lớn nhất về lao động việc làm tại Việt Nam. Người ta dự đoán xu hướng tăng lương sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Vì vậy, nhiều công ty đang nỗ lực nâng cao năng suất của người lao động.

Khi nhiều công ty nước ngoài đang tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô ở Việt Nam thì những khiếm khuyết về nguồn nhân lực càng bộc lộ rõ. Hiện nay, mặc dù nguồn nhân công dồi dào và lương thấp tạm thời vẫn bù đắp được những khiếm khuyết đó, nhưng về lâu dài, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ các nước gần kề như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Để tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, Việt Nam không thể trì hoãn việc nâng cao tính cạnh tranh của nguồn nhân lực. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo, dạy nghề nhằm tạo dựng nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp với các yêu cầu thực tế của công việc. Các cơ quan hữu quan cũng nên sử dụng các biện pháp khuyến khích hơn nữa việc tự đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp.

  • Tags: