Vụ Dầu khí và Than cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Chiến lược; xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị liên quan đối với Dự thảo Chiến lược và Báo cáo ĐMC của Chiến lược.
Trên cở sở các ý kiến góp ý nhận được, Bộ Công Thương đã tổng hợp tiếp thu, giải trình và hoàn thiện các Dự thảo: Báo cáo thuyết minh Chiến lược, Báo cáo ĐMC của Chiến lược, Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược.
Để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, các chuyên gia, nhà khoa học đối với hồ sơ Dự thảo Chiến lược, bao gồm: (1) Báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với Dự thảo Chiến lược; (2) Các Dự thảo: Báo cáo thuyết minh Chiến lược, Báo cáo ĐMC của Chiến lược, Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược.
Theo Bộ Công Thương, quan điểm lập Chiến lược là xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn; thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá các cấp trữ lượng và tài nguyên; đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam được xây dựng cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm các công tác: Điều tra cơ bản, thăm dò trữ lượng than; phát triển mỏ và khai thác than trong nước (bao gồm cả bể than đồng bằng sông Hồng); sàng tuyển, chế biến than; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh than (bao gồm cả hệ thống cảng, kho dự trữ và trung chuyển than); công nghiệp cơ khí ngành than; an toàn, bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ; xuất, nhập khẩu và kinh doanh than (bao gồm cả nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và giải pháp cung cấp than ổn định cho sản xuất điện); phát triển nguồn nhân lực và các giải pháp để thực hiện Chiến lược.
Phương pháp lập Chiến lược dựa trên điều tra khảo sát và phân tích đánh giá hiện trạng sản xuất kinh doanh than của ngành than; căn cứ nguồn lực tài nguyên khoáng sản than, các nguồn lực của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc (là đơn vị sản xuất, kinh doanh chính của ngành than); căn cứ định hướng, chính sách phát triển năng lượng, phát triển ngành than của Đảng, Nhà nước; dựa trên nhu cầu và phân tích môi trường sản xuất kinh doanh của ngành than (trên cơ sở sử dụng tổng hợp các phương pháp thu thập số liệu sơ cấp, số liệu thứ cấp, thống kê, phân tích,...); trao đổi ý kiến với các chuyên gia và tổ chức hội nghị, hội thảo... để xây dựng Chiến lược.