Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong lĩnh vực thương mại điện tử được thể hiện trong nhiều Nghị quyết và văn bản quan trọng. Điều này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển và quản lý hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và cũng đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới cần được thể chế hóa thông qua việc đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử và tổ chức thực hiện.Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại hai văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85). Tuy nhiên, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có xây dựng Luật Thương mại điện tử là cần thiết để phát triển thương mại điện tử.
Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đăng tải Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử để lấy kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo hồ sơ gồm:
- Báo cáo tổng kết thực thi pháp luật thương mại điện tử;
- Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật;
- Dự thảo đề cương Luật thương mại điện tử.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.