Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 19/02/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.
Tại Thông báo số 20/TB-BCT ngày 11/02/2025 về định hướng trong công tác xây dựng văn bản pháp luật và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo giao Vụ Pháp chế “Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi Thông tư số 47/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương để phù hợp với quy định mới (trong trường hợp Luật Ban hành VBQPPL mới có quy định giao các Bộ ngành hướng dẫn quy trình xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ)”.
Căn cứ nội dung Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình tự, thủ tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có sự thay đổi cơ bản.
Quy trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều là các trình tự, thủ tục cơ bản áp dụng chung cho các Bộ, ngành nhưng còn thiếu vắng các biện pháp thi hành cụ thể đã và đang áp dụng cho Bộ Công Thương như: việc xây dựng, triển khai Chương trình định hướng toàn khóa trong xây dựng Luật, Pháp lệnh; thời điểm trình các đề xuất xây dựng Chương trình hàng năm của Quốc hội; Chương trình công tác của Chính phủ; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đối với công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần của Quyết định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Trình tự xây dựng và ban hành thông tư của Bộ trưởng chỉ được quy định chung, ngắn gọn trong 03 điều. Qua rà soát, Vụ Pháp chế nhận thấy các nội dung cơ bản về xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật của Bộ Công Thương hàng năm; các thời hạn, quy định về phối hợp, thẩm định, về việc lấy ý kiến các cấp ủy, đảng về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều thiếu vắng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2025/NĐ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, có một số nội dung quan trọng như: Quy định trách nhiệm, thời hạn phải xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi văn bản được thông qua hoặc ban hành; Quy định cụ thể một số nội dung về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; Quy định về việc biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục văn bản quy phạm pháp luật sau khi văn bản được công bố hoặc ban hành; Quy định việc ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị mình theo chuyên đề, lĩnh vực;…
Do đó, để ban hành các biện pháp thi hành cụ thể hơn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong nội bộ Bộ Công Thương, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 47/2023/TT-BCT là có căn cứ pháp lý theo khoản 2 Điều 18 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; đã được thực hiện ổn định nhiều năm nay và cần thiết với thực tiễn của Bộ Công Thương.
Chi tiết Dự thảo Thông tư, xem tại đây.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đầu mối liên hệ: Đ/c: Nguyễn Ngọc Anh; ĐT: (024) 2220 5370; Email: AnhNN@moit.gov.vn