Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia công bố trong ngày 7/8/2013, lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia trong tháng 9 đã sụt giảm mạnh 88% so với tháng 8, xuống còn 786 tấn. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 2/2007 – thời điểm Chính phủ Indonesia bắt đầu kiểm soát hoạt động kinh doanh thiếc. Con số này cũng đồng thời thấp hơn cả mức dự báo xuất khẩu 3.000 tấn do PT Timah, tập đoàn khai thác thiếc lớn nhất của Indonesia, đưa ra trong tháng trước, và thấp hơn nhiều mức 9.874 tấn trong tháng 9/2012. Kim loại thiếc vốn được sử dụng trong sản xuất máy điện thoại di động smartphone và bao bì đóng gói.
Trong tuần trước (30/9 – 4/10), giá thiếc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) sau khi quy định mới của Chính phủ Indonesia có hiệu lực và các nhà luyện kim Indonesia cắt giảm lượng thiếc xuất khẩu. Theo đánh giá của tập đoàn Standard Bank Group Ltd., thiếc được dự báo có triển vọng tăng giá tốt nhất trong số sáu kim loại công nghiệp cơ bản do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Hiện chỉ có duy nhất Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia tại Jakarta (ICDX) được cấp phép giao dịch thiếc thỏi trước khi xuất khẩu ra khỏi Indonesia. Theo Cơ quan quản lý kinh doanh hàng hóa tương lai Indonesia, quy định mới của Chính phủ Indonesia nhằm mục tiêu giúp Indonesia thay thế sàn LME trở thành nơi xác lập mức giá tham chiếu cho kim loại thiếc.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Bloomberg TV Indonesia vào ngày 7/10, trước khi số liệu xuất khẩu được công bố, ông Sukrisno, giám đốc điều hành tập đoàn PT Timah cho biết: “Mục tiêu của quy đinh mới là làm sao chúng ta có thể tạo ra một mức giá hợp lý”. PT Timah là nhà xuất khẩu thiếc lớn nhất Indonesia và tập đoàn này đã buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong việc chuyển giao hàng trong tháng 9 do một số khách hàng vẫn chưa kịp thích ứng với quy định mới (quy định mới về xuất khẩu thiếc của Indonesia có hiệu lực từ ngày 30/8/2013).
Đà tăng giá của kim loại thiếc
Giá thiếc giao sau 3 tháng trong ngày 4/10/2013, đã tăng mạnh 5,5% lên mức 24.000 USD/tấn, đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 3/2013. Xét trong vòng 12 tháng qua, thiếc là kim loại có mức tăng giá cao nhất so với các kim loại cơ bản khác trên sàn LME.
Ông Chen Tien Yue, giám đốc điều hành công ty Royal Selangor International Sdn Bhd cho biết: “Chúng tôi cảm thấy khó khăn trong việc tìm thiếc có độ tinh khiết cao. Việc giảm nguồn cung thiếc rõ ràng đang tạo áp lực đẩy giá lên cao”, thiếc vốn chiếm trung bình 50% chi phí sản xuất trong các sản phẩm hợp kim thiếc của công ty.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, lượng thiếc xuất khẩu trong tháng 9/2013 của Indonesia bao gồm 400 tấn thiếc thỏi và 386 tấn thiếc hàn. Lượng thiếc xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2013 của Indonesia giảm 3,3% xuống còn 68.788 tấn so với cùng kỳ năm ngoái – theo số liệu tính toán của Bloomberg.
Theo một báo cáo được công bố trong ngày 7/10, Standard Bank dự báo thị trường sẽ thiếu hụt thiếc tinh luyện cho đến năm 2016. Lượng dự trữ thiếc trong các nhà kho được theo dõi bởi sàn LME đã giảm 13% trong tháng 9/2013 – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2012 và được giữ không đổi trong ngày 7/10 ở mức 13.195 tấn.
Việc thay đổi quy định xuất khẩu là một phần nỗ lực của Chính phủ Indonesia trong việc nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Quy định áp dụng đối với thiếc thỏi xuất khẩu hiện tại sẽ được mở rộng sang các sản phẩm thiếc khác như thiếc hàn vào năm 2015.