Tập đoàn PT Timah (TINS), tập đoàn khai thác thiếc lớn nhất của Indonesia, dự báo lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia sẽ giảm xuống còn 3.000 tấn trong tháng này. Con số này thấp hơn một nửa lượng thiếc được xuất khẩu trong tháng 8/2013 và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11/2011 – theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Giám đốc điều hành Tập đoàn Timah Sukrisno cho biết, giá thiếc có thể tăng thêm 20% lên mức 28.000 USD/tấn vào cuối năm nay. Thiếc được sử dụng trong việc sản xuất điện thoại di động và máy tính.
Indonesia hiện đang tìm cách nâng cao giá trị của thiếc; lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia vốn chiếm tới 40% tổng lượng thiếc xuất khẩu toàn cầu. Những thay đổi về quy định xuất khẩu thiếc của Indonesia đã khiến lượng thiếc dự trữ trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) sụt giảm và đẩy giá thiếc lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng.
Ông Sukrisno cho biết: “Chúng tôi (Tập đoàn PT Timah) dự kiến lượng thiếc xuất khẩu trong tháng 9 sẽ còn giảm sâu hơn sau khi lượng thiếc xuất khẩu giảm xuống còn 6.000 tấn trong tháng 8”. Ông Sukrisno đưa ra ý kiến cá nhân: “Đây không phải là vấn đề bởi vì chúng ta (Indonesia) đang tìm cách để nâng giá thiếc, chứ không phải là khối lượng xuất khẩu”.
Giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn LME đã có mức tăng cao nhất cao nhất trong số các kim loại cơ bản trong năm vừa qua do việc Indonesia cắt giảm thiếc xuất khẩu khiến tình trạng thiếu hụt thiếc trên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Trong ngày 26/9, giá thiếc đã có lúc tăng lên mức 23.450 USD/tấn - xác lập mức giá cao nhất kể từ ngày 19/3/2013; lần gần nhất giá thiếc đạt trên mức 28.000 USD/tấn vào tháng 8/2011.
Giá tham chiếu
Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Gita Wirjawan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 23/9, những quy định mới của Chính phủ Indonesia về việc xuất khẩu thiếc nhằm tạo lập một mức giá tham chiếu trong thị trường nội địa (Indonesia). Ông Wirjawan cũng cho biết thêm, các quy định mới sẽ được áp dụng trong dài hạn và lượng thiếc xuất khẩu từ Indonesia dự kiến sẽ giảm xuống. Hiện tại, những quy định mới chỉ áp dụng cho thiếc tinh luyện loại thỏi; và được dự kiến sẽ được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm khác được làm từ thiếc như thiếc hàn đến năm 2015.
Việc thay đổi quy định về thiếc xuất khẩu (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/8/2013) là một phần nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các công ty khai khoáng tại nước này xây dựng các lò luyện kim do Indonesia lên kế hoạch cấm xuất khẩu quặng thô từ tháng 1/2014.
Hạn chế xuất khẩu thiếc
Tập đoàn khai khoáng PT Timah muốn được bán thiếc cho các công ty nước ngoài thông qua Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia tại Jakarta (ICDX). Hiện có 18 thành viên tham gia giao dịch thiếc trên sàn ICDX bao gồm: 8 thành viên mua và 10 thành viên bán; đã có 675 tấn thiếc thỏi được thực hiện giao dịch thông qua sàn ICDX từ ngày 30/8 đến ngày 26/9. Trong ngày 18/9, trưởng phòng phát triển kinh doanh của ICDX, bà Christilia Angelica cho biết, sàn ICDX dự kiến Chính phủ Indonesia sẽ theo đuổi việc thực hiện các chính sách mới, qua đó hạn chế lượng thiêc xuất khẩu và tăng giá thiếc.
Ông Agung Nugroho, Thư ký Tập đoàn PT Timah cho biết, dự kiến 3.000 tấn thiếc được xuất khẩu trong tháng 9 có thể bao gồm 400 tấn thiếc thỏi được giao dịch thông qua sàn ICDX và khoảng 2.600 tấn các sản phẩm từ thiếc khác.
Ông Tjahyono Mukmin, Giám đốc điều hành Serumpun Tin cho biết, hầu hết các nhà luyện kim đã phải dừng hoạt động bởi họ không thể xuất khẩu thiếc. Ngoài ra, các nhà sản xuất thiếc mong muốn được giao dịch thiếc thỏi thông qua Sàn giao dịch tương lai Jakarta (JFX) tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn đang phải chờ đợi sự đồng ý của JFX.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, trong năm 2012, Indonesia đã xuất khẩu được 98.817 tấn thiếc, tính riêng tháng 9/2012, lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia đạt 9.874 tấn.
Trong ngày 11/9, Tập đoàn Standard Bank Group Ltd đã đưa ra nhận định, những thay đổi về việc xuất khẩu thiếc của Indonesia đang tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường thiếc, nguyên nhân chính đẩy giá thiếc lên cao. Theo một báo cáo của Standard Bank, lượng thiếc thiếu hụt trên toàn cầu được dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ mức 6.000 tấn trong năm 2013 lên mức 13.000 tấn trong năm 2015 do nhu cầu sử dụng tăng lên trong khi nguồn cung bị thu hẹp. Trong một báo cáo được đưa ra vào tuần này, Tập đoàn Citigroup đã nâng dự báo giá thiếc trong năm 2014 lên thêm 9,1% đạt 22.375 USD/tấn.
Ông Sukrisno cho biết: “Trong tháng 8, giá thiếc đã tăng vọt từ 22.000 USD lên mức 23.000 USD/tấn, vượt qua dự báo của tôi. Nếu xu hướng giá này vẫn tiếp diễn thì giá thiếc có khả năng tăng lên mức 25.000 USD/tấn trong tháng 10, thậm chí 28.000 USD/tấn vào cuối năm nay”.